Trong ngày 17-3, tại TP HCM đã diễn ra một tọa đàm, một lễ ký kết về rác thải. Cả hai sự kiện này đều có một điểm chung là để xử lý rác thải hiệu quả thì cần làm tốt việc phân loại rác tại nguồn.
Hành động nhỏ nhưng hiệu quả lớn
Tại tọa đàm khoa học về nền kinh tế tuần hoàn tài nguyên rác: Quản lý rác thải và các giải pháp truyền thông do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED), ThS Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), đã nêu lên một thực tế đáng lưu ý hiện nay, đó là hành động bỏ rác chỉ chiếm 1% trong tổng số hoạt động mỗi ngày của chúng ta nhưng để xử lý rác thì cực kỳ tốn kém, từ tiền trả nhân công, tiền vận chuyển, tiền xử lý đến tiền đất, tiền quản lý. Đáng nói là với một khoản tiền cố định đóng cho nhà nước mỗi tháng, chúng ta muốn xả rác bao nhiêu thì tùy thích. Trong khi đó, ở một số quốc gia, xả rác bao nhiêu thì phải trả tiền thu gom rác bấy nhiêu.
Dẫn bài học từ Hàn Quốc, bà Ngọc Lý cho biết đất nước này đang làm rất tốt công tác phân loại rác tại nguồn nên việc xử lý rác ít tốn kém. Tại Hàn Quốc, rác được phân loại và bỏ vào các túi màu xanh, màu vàng khác nhau. Mỗi loại rác đi vào các nhà máy khác nhau. Các túi này được sản xuất theo quy chuẩn của nhà nước. Rác được bỏ trong những túi này mới được thu gom. "Người dân nào xả rác nhiều thì tốn tiền nhiều nên ai cũng ý thức được việc tránh lãng phí" - bà Ngọc Lý nói và cho biết thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã trở thành thành phố không rác.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, việc thí điểm phân loại rác tại nguồn ở TP HCM hiệu quả đem lại không cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân phân loại xong thì cuối cùng cũng dồn về một chỗ rồi đem chôn lấp. Đối với giải pháp đốt mà TP HCM đang hướng tới, bà Lý cũng có nhiều băn khoăn. Bà cho biết rác ở Việt Nam khoảng 70% là rác hữu cơ - loại rác có hàm lượng nước cao và rác hỗn hợp lớn. "Liệu đốt toàn bộ như thế có khả thi hay không, hiệu quả có như mong muốn vì muốn đốt thì cần rất nhiều năng lượng, chưa kể là ô nhiễm không khí" - bà Lý đặt vấn đề.
Bà Lý nói cho đến hiện nay, những nước tiến bộ như Hàn Quốc, Nhật Bản… xem việc phân loại rác tại nguồn là cực kỳ quan trọng. Khi đó, rác hữu cơ có thể tái chế để thành khí đốt, phần còn lại đem đi đốt sẽ bảo đảm tính hiệu quả việc đốt. Không phải cái gì cũng đem đi đốt mà phải tính đến vấn đề hiệu quả và chi phí. "Với hàm lượng hữu cơ trong rác cao như vậy thì giá thành cao. Do đó, chúng ta nên cân đối với các giải pháp khác giá thành thấp hơn mà vẫn hiệu quả. Giải pháp đó chính là quyết liệt phân loại rác tại nguồn thông qua cách làm đồng bộ, từ khâu đầu đến khâu cuối" - bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.
Những cam kết mạnh mẽ
Cũng liên quan đến vấn đề rác thải, sáng cùng ngày, Tập đoàn Novaland và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký kết hợp tác chiến lược trong việc phân loại và thu gom rác thải tái chế tại nguồn. Bước đầu, chương trình sẽ được triển khai tại các khu dân cư của Tập đoàn Novaland trên địa bàn TP HCM với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú nhằm khuyến khích, nâng cao nhận thức và phát huy tinh thần chủ động của mỗi người dân, đặc biệt là trẻ em trong việc phối hợp, tham gia vào quá trình thu gom, phân loại rác thải.
Đại diện PRO Việt Nam chia sẻ: "Thông qua dự án hợp tác này, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức của người dân trong chương trình để tạo ra các sản phẩm có giá trị từ chất thải tái chế, góp phần xây dựng những không gian sống xanh, thân thiện với môi trường".
Quận Tân Phú, TP HCM - thời điểm những ngày đầu thí điểm phân loại rác tại nguồn Ảnh: Ý LINH
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, cho rằng gánh nặng rác thải cùng những khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và quản lý chất thải đã và đang có những tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực trạng đó, việc phân loại để tách các chất thải có giá trị tái chế ngay tại nguồn thải là hoạt động quan trọng góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, đồng thời giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được chôn lấp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. "Sự hợp tác này với PRO Việt Nam là tiền đề xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, bảo đảm rác thải không bị đưa ra môi trường và được xử lý hiệu quả nhất" - ông Bùi Xuân Huy nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết những năm qua, TP không ngừng nỗ lực triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm thiểu rác thải, phân loại rác tại nguồn, hỗ trợ tái chế và xử lý rác thải theo hướng bền vững gắn với mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển đô thị thông minh bền vững, bảo vệ môi trường, xây dựng TP xanh, thân thiện môi trường. Theo bà Mỹ, Sở Tài nguyên và Môi Trường TP đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, bảo đảm 100% chất thải rắn phát sinh được thu gom và xử lý đúng. Đến năm 2025 đạt 80% rác thải được phân loại tại nguồn, giảm lượng rác thải phải chôn lấp, 20% còn lại sẽ được tái chế, thu hồi.
Nếu làm tốt công tác phân loại rác tại nguồn và có những biện pháp tái sử dụng thì TP HCM có thể giảm được 30% lượng rác phải xử lý mỗi ngày".
ThS NGUYỄN NGỌC LÝ, Chủ tịch CECR
Bình luận (0)