Sau hàng loạt vụ phá rừng liên tục xảy ra, ngày 6-4, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản về việc triển khai một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Một trong những yêu cầu khiến nhiều người băn khoăn là việc buộc các cán bộ, công chức ngành kiểm lâm phải ký cam kết không tiếp tay, bao che cho lâm tặc.
Không cam kết là "có vấn đề"
Trong văn bản trên, ông Thanh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lập bản cam kết và tổ chức cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành (bao gồm kiểm lâm và ban quản lý rừng) ký cam kết không có bất kỳ hành vi nào vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng hoặc tiếp tay, dung túng, bao che cho các đối tượng phá rừng, vận chuyển lâm sản không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ hợp pháp. Nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm sẽ tự nguyện chấp nhận xử lý kỷ luật ở khung hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành. Việc ký cam kết phải hoàn thành trước ngày 20-4 và báo cáo cho UBND tỉnh.
Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ sông Kôn (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vừa xảy ra đầu tháng 3-2018
Giải thích quy định "kỳ lạ" trên, ông Lê Trí Thanh cho rằng bảo vệ rừng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính quyền cơ sở, còn kiểm lâm là lực lượng quản lý nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thời gian qua, để xảy ra phá rừng nhiều trên các địa bàn có trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm nhưng không phải hoàn toàn trách nhiệm thuộc về họ.
"Là cơ quan làm công tác quản lý nhà nước về kiểm soát các hoạt động về lâm sản, quản lý bảo vệ rừng thì họ phải là những người trong sạch đã, họ phải không tiêu cực. Trước hết, họ phải ký cam kết; nếu anh không ký, chứng tỏ anh "có vấn đề", nếu anh ký cam kết, thể hiện anh có quyết tâm" - ông Thanh nói.
Đối với các xưởng gỗ hoạt động rầm rộ tại các địa phương có rừng bị phá, ông Thanh khẳng định sẽ xử lý. "Tôi chỉ đạo tập trung các chuyên án để điều tra, phá án các đầu nậu ở miền núi, thứ hai là các điểm cưa xẻ gỗ. Dù đã có nhiều văn bản chấn chỉnh rồi nhưng thời gian vừa qua vẫn có một số cơ sở cưa xẻ gỗ xuất hiện trên địa bàn nên vẫn phải tiếp tục chỉ đạo, không loại trừ đằng sau những điểm cưa xẻ gỗ đó có một số cán bộ tiếp tay. Chính vì vậy, tôi đã chỉ đạo làm rõ mối quan hệ của các điểm cưa xẻ gỗ với người thân trong các cơ quan, đơn vị hành chính. Đây là quyết tâm của tỉnh" - ông Thanh bày tỏ.
Dân giữ thì rừng chẳng mất
Một cán bộ kiểm lâm thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết quan trọng vẫn là ý thức của cán bộ kiểm lâm và sự gương mẫu của người đứng đầu từng đơn vị. "Những kẻ phá rừng thường làm đủ chiêu thức để đạt được mục đích. Nếu không lôi kéo, dụ dỗ được thì chúng thuê cả giang hồ đe dọa. Ai không tỉnh táo, kiên quyết thì rất dễ bị lôi kéo" - cán bộ này cho biết.
Trong khi đó, lãnh đạo một huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam cho rằng "ép" lực lượng kiểm lâm ký cam kết như vậy là "tầm bậy". "Nếu phát hiện kiểm lâm tiếp tay, bao che cho lâm tặc thì bắt phạt tù vì luật đã có những quy định cụ thể rồi, cam kết thì có tác dụng gì. Làm như vậy sẽ tạo ra suy nghĩ lâu nay lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay, bao che cho lâm tặc nên giờ phải cam kết không được làm như vậy nữa" - lãnh đạo này nêu quan điểm.
Theo cán bộ trên, rừng ở Quảng Nam sau này sẽ còn bị phá nữa vì cơ chế quản lý không hiệu quả. Theo ông, việc sáp nhập kiểm lâm và các ban quản lý vào một là sai lầm, có địa bàn 3-4 ban quản lý chồng lấn nhau, khi xảy ra vi phạm thì "ngó nhau", đổ trách nhiệm cho địa phương.
"Nên bớt các ban quản lý đi, củng cố lại lực lượng kiểm lâm, thậm chí giao lực lượng kiểm lâm cho địa phương quản lý. Văn hóa giữ rừng trước nay là làng nào giữ rừng làng đó thì khó mà có chuyện bị phá. Nếu tiền giữ rừng đưa về sát cho dân, không bị mất "phần trăm", chia năm xẻ bảy thì không bao giờ có chuyện phá rừng. Không giao rừng cho dân nên khi thấy phá rừng, họ cũng mặc kệ vì có phải rừng của họ đâu mà họ bảo vệ" - vị lãnh đạo này phân tích.
Rừng Quảng Nam liên tục bị triệt hạ
Tháng 10-2015, rừng ở đầu nguồn sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) bị đốn hạ. Sau khi kiểm tra, ông Lê Trí Thanh đặt nghi vấn cán bộ tiếp tay cho lâm tặc bởi chỉ có một con đường dẫn vào rừng.
Tháng 7-2016, rừng pơ-mu tại huyện Nam Giang bị phá. Đại úy Lê Xuân Chính, nguyên Đồn phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, cùng hàng chục người khác là thủ phạm đã bị xét xử.
Tháng 9-2017, 124 ha rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước bị tàn phá. Công an huyện Tiên Phước xác định một cặp vợ chồng tham gia phá rừng, hàng loạt cán bộ, trong đó có chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, bị kỷ luật.
Trong tháng 3-2018, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phát hiện 3 vụ phá rừng lớn tại rừng phòng hộ sông Kôn (huyện Đông Giang), Nam Sông Bung (huyện Nam Giang) và rừng lim tại xã Chà Vàl (huyện Nam Giang).
Những văn bản vô bổ, dở hơi
Những năm gần đây, hằng năm, báo chí đều đưa tin về việc hàng trăm lượt CSGT được tuyên dương, khen thưởng, nêu gương liêm khiết, vì đã không nhận hối lộ của người vi phạm. Có người đặt vấn đề: Cán bộ, công chức nói chung hay CSGT nói riêng, không được nhận hối lộ là lẽ đương nhiên bởi luật đã quy định.
Rồi mới đây, vụ một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam ra văn bản cho cán bộ, kiểm lâm ký cam kết không tiếp tay, bao che cho các đối tượng phá rừng cũng rất khó hiểu.
Bình luận về "yêu cầu kiểm lâm không được tiếp tay cho lâm tặc" cũng như "việc khen thưởng CSGT không nhận hối lộ", ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thẳng thắn: "Rõ ràng đây là những văn bản thừa, những việc làm thừa. Nó chỉ dùng che mắt dư luận. Thực ra những văn bản này không đem lại điều gì cả" - vị đại biểu Quốc hội bày tỏ.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, những văn bản như của UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành không thúc đẩy hay xác định được trách nhiệm của các chủ thể. "Thậm chí nó còn tạo cơ sở cho thuộc cấp không sợ văn bản đó, vì văn bản không có giá trị pháp lý. Vậy rõ ràng là phản tác dụng" - ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, thay vì ban hành những văn bản "vô bổ", lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương nên có hành động thiết thực. "Nếu lãnh đạo tỉnh Quảng Nam muốn quyết dẹp nạn phá rừng thì bất luận nơi nào trong tỉnh để mất rừng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo kiểm lâm phải bị cách chức ngay lập tức. Bởi vì sao? Bởi vì nhà nước, nhân dân trả lương cho các vị để giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, quản lý địa phương nhưng lại để mất rừng thì các vị quản lý gì, làm gì?" - ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, các địa phương, các ngành đừng ra những văn bản vô nghĩa như vậy. Thay vào đó là những hành động cụ thể theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đó là gắn trách nhiệm của người đứng đầu. Đừng ban hành những văn bản vuốt ve nhau, vuốt đuôi nhau, hay cứ "chém với" vào vi phạm như thế.
TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho rằng những cán bộ, công chức, người lao động trong bất cứ ngành nghề nào đều phải thực hiện theo chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được phân công, đương nhiên không được vi phạm pháp luật. "Việc kiểm lâm không được tiếp tay cho lâm tặc, CSGT không nhận hối lộ là đương nhiên vì đã được quy định trong luật và được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vậy sao phải tuyên dương hay yêu cầu thực hiện một việc hiển nhiên họ phải làm?" - ông Sơn nói.
"Việc ban hành các văn bản này thuộc về quan trí. Từ đó có thể đánh giá là hạn chế về nhận thức, cách thức điều hành" - TS Lê Hồng Sơn bày tỏ.
Văn Duẩn
Bình luận (0)