Ngày 10-3, Bộ Y tế cho biết trong 2 ngày 8 và 9-3, Việt Nam đã triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca cho 522 nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch tại 4 tỉnh, thành. Trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiêm cho 107 người, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tiêm 104 người, Hải Dương tiêm 206 người, Hà Nội tiêm 36 người, Gia Lai tiêm 69 người.
Nằm trong tỉ lệ cho phép
Theo báo cáo từ các địa điểm tiêm chủng, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19, đa số là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo như: đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn… Có 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý theo quy định và tình trạng sức khỏe đã trở lại bình thường, 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả trường hợp trên hiện đã ổn định. Chương trình tiêm chủng mở rộng đánh giá thực tế triển khai tiêm chủng trong 2 ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỉ lệ cho phép.
Các nhân viên y tế Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào sáng 9-3 Ảnh: NGÔ NHUNG
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch, cho biết tại bệnh viện không ghi nhận trường hợp nào có phản ứng trong 30 phút sau tiêm. Sau tiêm, có tỉ lệ khá cao người tiêm gặp phản ứng phụ, tuy nhiên các phản ứng này đều nhẹ, phổ biến nhất là đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, mệt mỏi. Bác sĩ Điền cho biết sau 3-5 ngày nữa, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin Covid-19. Hiện bệnh viện được phân 450 liều vắc-xin trong đợt 1, dự kiến tiêm cho 420 nhân viên y tế.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (TP Hà Nội), 36 nhân viên y tế đầu tiên được tiêm trong sáng 9-3. Bác sĩ Trần Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết trong số này có 10 trường hợp gặp các phản ứng sau tiêm như sốt nhẹ, đau tại vị trí tiêm, mỏi cơ, không có ai gặp phản ứng nghiêm trọng. Trong đó có 5 trường hợp sốt 37,5 độ C kèm mệt mỏi.
Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, cho biết người sau tiêm vắc-xin Covid-19 sẽ được theo dõi sức khỏe từ 24 - 48 giờ mới có thể đưa ra kết luận về tình trạng phản ứng với vắc-xin. "Hiện chúng tôi vẫn đang theo dõi và tổng hợp thông tin sau tiêm vắc-xin. Tất cả trường hợp được tiêm tại Bệnh viện Thanh Nhàn đều đã trở lại làm việc bình thường" - ông Tuấn nói.
Tại Hải Dương mới ghi nhận 2 trường hợp sốt trên 38 độ C, còn lại các trường hợp khác chủ yếu đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi. Như vậy đến nay, qua theo dõi của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chỉ ghi nhận 2 trường hợp bị sốc phản vệ độ 2, trong đó có 1 trường hợp tại Gia Lai, hiện sức khỏe đã ổn định.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo do vắc-xin Covid-19 là vắc-xin mới nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế. Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắc-xin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.
Bổ sung 502,9 tỉ đồng phòng chống Covid-19
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 314/QĐ-TTg về bổ sung kinh phí phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho Bộ Y tế 502,9 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để tiếp tục mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 theo phương án đã được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông qua năm 2020.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng, thanh quyết toán số kinh phí được bổ sung; thực hiện mua sắm đúng quy định của pháp luật, đúng mục đích, đối tượng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và phù hợp với diễn biến của dịch bệnh năm 2021. Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.
Bình luận (0)