Viện Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vừa phối hợp với Bảo tàng Tổng hợp Bình Định công bố kết quả khai quật khảo cổ di tích Gò Cây Me.
Di tích gò Cây Me trong quá trình được khai quật khảo cổ
Theo đó, qua 2 hố khai quật có diện tích 100 m2 tại di tích gò Cây Me đã phát hiện 4 lò nung gốm của người Chăm Pa, trong đó có 3 lò dạng hình ống, không còn nguyên vẹn và 1 lò mới xuất hiện phần bầu đốt, chưa xác định hình dạng. Các lò này được xây dựng, cải tạo, sử dụng nhiều lần theo xu hướng thu hẹp lòng và tiến lên phía trước (lò xây sau đều xây dựng trên nền và tường lò trước).
Ngoài ra, đoàn khảo cổ cũng thu được 23.531 hiện vật về đồ gốm sứ, đồ sành, vật kiến trúc, dụng cụ sản xuất và tượng tại các hố khai quật trên. Trong đó, đồ gốm sứ (gốm men trắng, gốm men nâu, gốm vẽ màu nâu sắt) là hiện vật chủ yếu; còn lại là đồ sành, vật liệu trang trí kiến trúc, dụng cụ sản xuất gốm... Các nhà khảo cổ nhận định trung tâm sản xuất gốm của người Chăm Pa tại gò Cây Me có niên đại từ thế kỷ XIV-XV. Tại đây, có những khu vực chuyên sản xuất đồ gốm cao cấp và khu vực chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.
Các hiện vật gốm sứ, đồ sành thu được tại di tích gò Cây Me
"Ngoài những dòng gốm cao cấp, gò Cây Me còn có dòng gốm sành bình dân. Điều đó cho thấy ở đây đã hình thành những khu vực sản xuất chuyên biệt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát hiện khảo cổ gò Cây Me giúp bổ sung hiểu biết về tình hình kinh tế, chính trị cũng như quan hệ bang giao của đất nước Chăm Pa trong lịch sử" – PGS TS Lại Văn Tới, Viện Nghiên cứu Kinh Thành, nhận định.
Theo PGS TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành, cuộc khai quật di tích gò Cây Me đã phát hiện ra được hệ bầu đốt, đây là kỹ thuật nung gốm truyền thống rất phổ biến ở Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, rất nhiều đồ gốm mang tính nghệ thuật cao ở gò Cây Me được phát hiện. Ngoài ra, mối giao lưu, quan hệ giữa gốm gò Cây Me với gốm Trung Quốc cũng đã được khẳng định.
Bình luận (0)