Sáng 26-12, trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, lãnh đạo Công an TP Thủ Dầu Một - Bình Dương cho biết đang khẩn trương xác định danh tánh thi thể người đàn ông tử vong ở khu vực khu mộ cổ thuộc phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một.
Khi được hỏi vụ này có dấu hiệu án mạng hay không, công an cho biết vụ việc đang làm rõ, sẽ thông tin cho báo chí sau.
Thông tin ban đầu, khoảng 16 giờ ngày 25-12, người dân phát hiện thi thể 1 đàn ông (chỉ mặc quần đùi, khoảng 20-35 tuổi) nằm vắt trên miệng cái lu múc nước bằng gốm. Cái lu này đặt gần một đống gạch. Số gạch này dùng để xây dựng một công trình nằm sát khu mộ cổ.
Công an nhanh chóng đến hiện trường đưa thi thể người đàn ông này về nhà xác khám nghiệm. Trên thi thể không có giấy tờ tuỳ thân. Người dân khu vực cũng không biết tên tuổi nạn nhân.
Thi thể nạn nhân nằm vắt ngang miệng lu nước này. Phía dưới có tờ giấy công an ghi: "Chết người chưa rõ nguyên nhân"
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Ánh Tuyết (ngụ TP Thủ Dầu Một) cho biết khu mộ cổ là khu mộ của dòng họ Trần của bà và thường được người dân gọi là “mã ông Lân” vì người xây khu mộ này năm 1885 là cụ Trần Văn Lân. Hiện cụ Lân cũng được chôn cất ở đây.
Cụ Lân khi xưa được xem là người thuộc hàng giàu có và nổi tiếng nhất Bình Dương. Hiện nay người dân tỉnh Bình Dương vì "kị tên" cụ nên không dám nói “múa lân” mà chỉ nói “múa cù”.
Khu mộ ông Lân được xây dựng hơn 100 năm với kiến trúc rất đẹp nhưng chưa được công nhận là di tích
Bà Tuyết cho biết diện tích đất thuộc quần thể khu mộ rất rộng và hiện nay đang tranh chấp. “Nhà do cụ Lân xây dựng ở số 18 đường Bạch Đằng thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một (thường được biết đến với tên "nhà cổ Trần Văn Hổ" do ông Hổ là con ông Lân) đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Khu mộ cụ Lân có kiến trúc đẹp, tính mỹ thuật cao, là nơi nhiều đoàn phim từng tới mượn khung cảnh để ghi hình, nhiều bạn trẻ cũng đến đây chụp hình cưới. Tôi đã nhiều lần đề nghị chính quyền công nhận khu mộ này là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc này chưa thành vì có cá nhân trong dòng họ không đồng thuận, đất khu này vẫn đang tranh chấp".
Do nét nghệ thuật của khu mộ nhiều bạn trẻ đến đây chụp hình và đăng lên mạng
Bà Tuyết cho biết gần đây khu mộ được ai đó sơn quét, cải tạo không khéo léo làm mất đi nét cổ xưa, tinh tế. "Khu đền thờ rất đẹp nhưng cứ cải tạo, sơn quét tùy tiện như vậy thì sau này chính quyền có công nhận là di tích thì nét cổ kính, tinh hoa kiến trúc cũng không còn" - bà Tuyết nói và và cho biết mình sẽ tiếp tục đề nghị UBND phường Hiệp Thành có biện pháp ngăn cản để người trong dòng họ không tuỳ tiện cải tạo khu đền thờ của dòng họ.
Đền thờ mộ ông Lân vừa được cải tạo làm mất hẳn nét tinh tế, xưa cũ
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, lãnh đạo UBND phường Hiệp Thành cho biết việc công nhận khu mộ là di tích hay không sẽ do cấp trên xem xét. "Tết người trong dòng tộc muốn quét vôi lại khu mộ chúng tôi không thể can thiệp vì bị họ phản ứng" - lãnh đạo phường nói.
Bình luận (0)