Ngày 24-11, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Trung ương tại Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.
Văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức
Báo cáo tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, sự nghiệp phát triển văn hóa chưa xứng tầm với các lĩnh vực khác, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu lên 6 bài học rút ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời đưa ra 9 giải pháp trọng tâm để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị
Một là cần tiếp tục nâng cao nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Hai là, tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Ba là, hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhân văn, hiện đại.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm là, xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Sáu là, phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước...
Bảy là, xây dựng nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân.
Tám là, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. Chín là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế…
Văn hóa đã có những đóng góp tích cực
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu cũng đã có nhiều tham luận với nội dung khắc phục những bất cập tồn tại trong lĩnh vực phát triển văn hóa, đề xuất giải pháp để phát triển những tiềm năng, thế mạnh.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết theo chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa.
Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ tôn tạo, 70% số di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Ít nhất 5 di sản được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc ghi danh vào theo các công ước... Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, mức tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm trung bình đạt 7%. Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Toàn cảnh Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 tổ chức tại Hà Nội ngày 24-11. Ảnh: LOAN NGUYỄN
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số nhiệm vụ trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phó Thủ tướng nêu rõ việc tiếp tục nâng cao nhận thức về văn hóa bởi "văn hóa còn thì dân tộc còn", khắc phục tình trạng thực hiện yếu kém hoặc hạn chế về nguồn lực; không chú ý đúng mức đến văn hóa; sự mai một, hụt hẫng của đội ngũ, chuyên gia, nhà nghiên cứu về văn hóa… "Chúng ta phải có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa với sự thôi thúc, vừa cấp bách vừa kiên trì, dài hơi" - Phó Thủ tướng đề nghị.
Việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phải góp phần khơi dậy khát vọng toàn dân tộc trong phát triển, chống tụt hậu, tiếp tục tạo ra những xung lực mới, phát huy toàn bộ sáng tạo, sức mạnh toàn dân để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại, giữ gìn bản sắc nhưng cũng cần mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh những biểu hiện văn hóa không phù hợp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bác Hồ đã từng nói văn hóa là tất cả mọi sự sáng tạo, phát minh của con người; do đó, phải tạo ra một xã hội, một môi trường cổ vũ, tôn vinh và phát huy được cái mới, tôn trọng các ý kiến khác, thậm chí khác biệt nhưng không đi ngược lại lợi ích của dân tộc, đất nước.
Về xây dựng con người, Phó Thủ tướng nêu rõ mối quan hệ giữa con người và văn hóa, trong đó phải nhắc đến vai trò quan trọng của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trên tinh thần cầu thị và kiên trì. Cùng với đó là văn hóa làm gương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng di huấn "cần, kiệm, liêm, chính" của Bác Hồ dành cho tất cả mọi tầng lớp nhân dân, không chỉ dành riêng cho cán bộ.
Nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam:
Tránh khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu
Mọi thành công hay yếu kém của nền VHNT nước nhà đều khởi đầu từ con người. Vì vậy, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng và trọng dụng tài năng là bảo đảm cho sự phát triển bền vững nền văn nghệ nước nhà. Bên cạnh đó, cần có sự chú ý, quan tâm thích đáng và có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ, nghệ nhân có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt vì những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước.
Cần rà soát lại để tránh hiện tượng khen thưởng tràn lan, mua bán danh hiệu, giải thưởng, đồng thời nghiêm khắc đấu tranh với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tha hóa, đi ngược lại thuần phong mỹ tục văn hóa dân tộc của một bộ phận văn nghệ sĩ, ảnh hưởng tới hình ảnh văn nghệ sĩ chân chính.
NSND THÚY MÙI, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam:
Cơ chế đặc thù cho đội ngũ sáng tác
Những khó khăn về nhân lực, tài lực khiến nhiều đơn vị nghệ thuật đang tồn tại rất vất vả và chênh vênh. Chính sách tiền lương dù đã cải cách vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến. Ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, bảo đảm đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho VHNT phát triển hài hòa cùng các thành phần khác.
Đảng, Nhà nước chú trọng đầu tư nguồn nhân lực là đội ngũ sáng tác VHNT bằng cơ chế đặc thù như gửi người đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho VHNT. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khắc phục sự khủng khoảng về đội ngũ sáng tạo VHNT.
Bình luận (0)