Sáng 20-3, UBND TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP HCM giai đoạn 2019 - 2025, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực AI. Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hội thảo năm 2019 của TP nhằm xây dựng đề án "Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng AI tại TP HCM giai đoạn 2019 - 2025". Đề án có tính chất tương hỗ quan trọng để thực hiện thành công đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025" và Đề án Xây dựng khu đô thị sáng tạo.
Hình thành chương trình nghiên cứu, ứng dụng
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "Vừa qua, TP HCM đã ký kết với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chương trình hợp tác về đẩy nhanh ứng dụng công nghệ TT-TT một cách toàn diện. Trong đó, có nội dung phát triển các thiết bị phục vụ kết nối vạn vật (IoT), chuẩn bị điều kiện để ứng dụng mạng di động 5G, triển khai các nội dung của đô thị thông minh, nghiên cứu và ứng dụng AI. Nếu làm đô thị thông minh hoặc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 mà không có nghiên cứu, ứng dụng AI thì không làm được. Nghĩa là không có AI thì không có CMCN lần thứ 4" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP HCM có điều kiện cùng cả nước hình thành Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng AI vì TP có nguồn lực kinh tế, thị trường tại chỗ. Đây là tiền đề quan trọng để TP hình thành Chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI.
Sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM vận hành thử nghiệm robot Ảnh: Hoàng Triều
PGS-TS Thoại Nam - Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP HCM - phân tích: "Hiện nay, AI được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội như an ninh công cộng, giao thông thông minh, sản xuất, thương mại điện tử… Tuy nhiên, phát triển AI, các tổ chức cần giải quyết tốt các thách thức về dữ liệu, hệ thống tính toán, con người, sự sẵn sàng chấp nhận của cộng đồng sử dụng".
Đại diện Bộ TT-TT cho biết bộ đang triển khai mạng viễn thông 5G để phát triển IoT, nền tảng để triển khai AI. Bên cạnh đó, bộ đang xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu để phục vụ hỗ trợ AI. Ngoài ra, bộ này cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đào tạo nhân lực, tiếp cận với AI trong thời gian tới. "Đề án Chính phủ điện tử mà bộ được giao triển khai sẽ là cơ sở dữ liệu rất lớn, hữu ích để phục vụ phát triển AI. Bộ cũng đang thực hiện nhiều đề án có liên quan đến AI. Bộ khuyến nghị TP HCM nên xây dựng tiềm lực về AI, xây cơ sở dữ liệu dùng chung, xây dựng tổ chuyên gia định hướng phát triển AI… khi triển khai AI tại TP HCM trong tương lai" - đại diện Bộ TT-TT nói.
Thay đổi cơ chế, chính sách, xây hạ tầng
Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học đồng tình cho rằng TP HCM khi triển khai AI cần thay đổi nhiều về chính sách, hỗ trợ, bên cạnh đó phải đầu tư lớn về hạ tầng, nhân lực, công nghệ…
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, nhìn nhận: "Phát triển AI cho TP HCM là đề án lớn, dài hơi, cần phải mời các chuyên gia trong và ngoài nước đóng góp. Cần đề xuất Quốc hội thay đổi khung pháp lý, đầu tư cho các trường ĐH, hỗ trợ vốn phát triển, quỹ đầu tư riêng về AI". Chia sẻ những thách thức khi phát triển AI cho TP HCM, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho rằng hạ tầng, ràng buộc chính sách công nghệ… đang là những cản trở lớn, do đó, cần các bộ, ngành, Chính phủ hỗ trợ thay đổi chính sách, đầu tư vào các nhóm nghiên cứu AI, hỗ trợ DN làm AI... Đồng thời, các DN cần phải chủ động đầu tư, kết hợp với các trường, viện trong việc nghiên cứu, phát triển AI".
Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty CP Tin học Lạc Việt, góp ý: "Các cuộc CMCN lần thứ 2, thứ 3 chúng ta vẫn chưa thực hiện được hoàn chỉnh. Vì vậy, khi phát triển AI, cần tiếp tục thực hiện, xây dựng các ngành cơ khí, điện tử… đi kèm với AI thì mới có thể vận dụng được AI và phát triển trong tương lai. Hiện nay, khâu chia sẻ dữ liệu phục vụ cho AI của chúng ta vẫn chưa có, vì vậy cần tập trung vào khâu xử lý tốt dữ liệu đầu vào".
Đề cập thêm về việc nghiên cứu và ứng dụng AI ở TP HCM, GS-TSKH Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp Toán (ĐHQG TP HCM), đề xuất TP xây dựng hạ tầng số vững chắc như: kỹ thuật máy, mạng; dữ liệu kết nối, chia sẻ; ứng dụng Big Data, AI... Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực AI; trong đó, điều chỉnh chương trình đào tạo AI ở các trường của TP, đào tạo kỹ năng và kiến thức mới cho người lao động, trang bị kiến thức AI đại chúng cho cán bộ TP...
Xây dựng cơ sở dữ liệu
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực AI. Đồng thời, hình thành Ban Xây dựng và Điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI
TP HCM.
Theo đó, ban đề nghị TP chọn đối tác chiến lược nghiên cứu và ứng dụng AI 2019 - 2025. Trước mắt, xác định chương trình trọng tâm trong 2 năm tới, TP cần triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của TP trong đó gắn với chuẩn hóa dữ liệu và an toàn dữ liệu, phòng thí nghiệm AI đặt trên địa bàn TP, chương trình đào tạo nhân lực về AI… Bên cạnh đó, làm việc với các sở, ngành, quận, huyện, DN; xác định một số ứng dụng về AI cho TP trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quản lý giao thông, quản lý xây dựng…
"TP đủ nguồn lực ưu tiên thúc đẩy chương trình nghiên cứu và ứng dụng AI đặc thù để chương trình này triển khai nhanh, tránh tình trạng xét duyệt lâu mất thời cơ" - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
5G là nền tảng cốt lõi
Theo các chuyên gia, phát triển AI nhất thiết phải cần hệ thống viễn thông tốt mà mạng 5G là một trong những nền tảng cốt lõi. Bên cạnh các yếu tố về tốc độ và nhu cầu dữ liệu truyền thống, vẫn có nhiều nhu cầu mới mà công nghệ di động hiện tại chưa đáp ứng được đầy đủ. Đó là các yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn, yêu cầu kết nối di động với độ tin cậy siêu cao và độ trễ cực thấp.
Bình luận (0)