Sáng nay 31-12, tại Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự và chỉ đạo Đại hội có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - trình bày tham luận tại Đại hội
Trình bày tham luận tại Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam với chủ đề "Phát triển câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành - một loại hình sinh hoạt hấp dẫn với hội viên", Nhà báo Trần Trọng Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM - cho biết TP HCM là một trung tâm lớn của cả nước về kinh tế-văn hóa-khoa học công nghệ, đồng thời cũng là một trung tâm báo chí lớn của cả nước. Hội nhà báo TP HCM hiện có hơn 28 cơ quan báo chí với 1.200 hội viên. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có hơn 160 cơ quan thường trú, văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương khác trú đóng với khoảng 800 hội viên sinh hoạt tại Hội nhà báo TP HCM theo như quy định của Hội nhà báo Việt Nam.
Với gần 2.000 hội viên như vậy, có thể nói nhu cầu sinh hoạt nghiệp vụ, giao lưu của Hội viên rất lớn, đòi hỏi Hội nhà báo TP HCM phải năng động, sáng tạo ra nhiều "sân chơi" hấp dẫn, thu hút Hội viên tham gia, đáp ứng nhu cầu không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà cả về những sở thích lành mạnh, làm cho Hội trở thành "ngôi nhà chung" cho những người làm báo.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Tại TP HCM, cách đây 20 năm, xuất phát từ hoạt động của các nhà báo, hội viên cùng được phân công viết về một lĩnh vực nên quen biết nhau, hỗ trợ nhau trong tác nghiệp. Từ đó hình thành các nhóm phóng viên chuyên ngành sau đó phát triển thành các câu lạc bộ trực thuộc Hội nhà báo TP HCM (hiện nay có 6 câu lạc bộ đang hoạt động).
Thành lập sớm nhất phải kể đến câu lạc bộ phóng viên thể thao (hình thành từ những năm 1999-2000), sau đó là câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp (2007), câu lạc bộ phóng viên du lịch (2010), sau đó là các câu lạc bộ phóng viên nội chính, câu lạc bộ phóng viên ảnh, câu lạc bộ phóng viên khoa học-công nghệ.
Quy mô các câu lạc bộ lúc đầu chỉ khoảng trên 10 người, dần dần đã thu hút, phát triển lớn mạnh điển hình như câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp khởi đầu 2007 là một nhóm tự phát với 12 nhà báo của 10 cơ quan báo đài trung ương và TP HCM viết về nông nghiệp, nông thôn. Đến năm 2010 chuyển thành câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp thuộc Hội nhà báo TP HCM với 29 thành viên thuộc 21 cơ quan báo đài. Hiện nay câu lạc bộ này có 64 thành viên thuộc 45 cơ quan báo chí.
Các câu lạc bộ có cơ cấu 1 Ban chủ nhiệm gồm 5 thành viên do các thành viên bầu và được Hội nhà báo TP HCM ra quyết định công nhận.
Theo ông Trần Trọng Dũng, phần nhiều các thành viên trong câu lạc bộ, nhất là người đứng đầu, là những nhà báo từng trải, kinh nghiệm, có uy tín trong giới, nhiệt tình trong công việc của câu lạc bộ và có quan hệ tốt với các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực của câu lạc bộ, ví dụ đối với câu lạc bộ phóng viên thể thao thì gắn bó với Sở Văn hóa - Thể thao, Liên đoàn các bộ môn thể thao, các doanh nghiệp về trang thiết bị thể thao; câu lạc bộ phóng viên kinh tế nông nghiệp thì gắn với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp Thành phố, các doanh nghiệp liên quan nông nghiệp, câu lạc bộ phóng viên du lịch gắn với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, hiệp hội du lịch Việt Nam và thành phố, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn,…
Các câu lạc bộ bám sát lĩnh vực mình để triển khai các hoạt động khá phong phú như: Tổ chức tự bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm kết hợp tham quan thực tế các mô hình hay, hỗ trợ truyền thông cho các cơ quan, tỉnh bạn, tổ chức các Giải báo chí (như Giải báo chí về Kinh tế nông nghiệp, Giải báo chí viết về du lịch…). Các hoạt động này được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Hội nhà báo và các cơ quan quản lý nhà nước. Kinh phí thực hiện từ nguồn xã hội hóa do các thành viên trong câu lạc bộ vận động. Hội nhà báo TP HCM tạo mọi điều kiện hỗ trợ các câu lạc bộ như liên hệ các cơ quan, tổ chức truyền thông, cho sử dụng các cơ sở vật chất của Hội như hội trường, xe ôtô, máy photocopy… để giảm bớt chi phí cho các câu lạc bộ khi tổ chức các sự kiện.
Báo Người Lao Động phục vụ các đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngoài 6 câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành đang hoạt động như trên, trong thời gian tới, Hội nhà báo TP HCM dự kiến thành lập thêm một số câu lạc bộ phóng viên chuyên về một số lĩnh vực như công thương, xây dựng - đô thị, tài nguyên - môi trường, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc tế…
Bên cạnh các câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành, Hội cũng chủ trương thành lập các câu lạc bộ theo sở thích như câu lạc bộ các môn thể thao (bóng đá, bóng bàn, quần vợt, cầu lông, xe đạp, chạy bộ…) hoặc các sở thích khác như câu lạc bộ ca hát, vẽ, câu lạc bộ du lịch caravan kết hợp từ thiện…
Về hiệu quả, có thể thấy hoạt động của các câu lạc bộ mang lại một số hiệu quả tích cực sau: Thứ nhất, loại hình này mang tới một "sân chơi" bổ ích, hấp dẫn với các Hội viên, để hội viên gắn bó với hoạt động Hội một cách tự nguyện. Hội viên thấy được lợi ích khi tham gia các câu lạc bộ cũng chính là tham gia hoạt động Hội bởi mô hình này đáp ứng được nhu cầu hợp tác trong quá trình tác nghiệp, thỏa mãn các sở thích cá nhân lành mạnh.
Hai là, hoạt động của các câu lạc bộ như là những hoạt động sau mặt báo, theo hướng "tự chủ" hoàn toàn không phải nhờ chi phí từ ngân sách. Các hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần đẩy mạnh truyền thông trên các lĩnh vực theo đúng chủ trương, kế hoạch của thành phố, các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.
Ví dụ: Có những hoạt động bám sát tình hình thời sự của cả nước và thành phố tạo hiệu quả rất tốt như vào đầu tháng 6-2020, khi Tổng cục Du lịch phát động chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" thì câu lạc bộ phóng viên du lịch chủ động đề xuất với Hội phối hợp với Sở Du lịch và Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm "Phát huy vai trò truyền thông trong chương trình Người Việt Nam du lịch Việt Nam" với sự tham gia của hầu hết lãnh đạo các báo đài thành phố và Trung ương, cùng lãnh đạo của ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch…
Các đại biểu đọc Báo Người Lao Động tại Đại hội
Ba là, các câu lạc bộ phát triển, góp phần tăng cường mở rộng mối quan hệ đoàn kết giữa các đồng nghiệp không chỉ giữa báo chí thành phố với nhau mà còn giữa báo chí trung ương với báo chí TP HCM , góp phần đưa công tác Hội thêm sinh động và phong phú.
Bài học kinh nghiệm được rút ra, theo Nhà báo Trần Trọng Dũng, là lãnh đạo Hội cần năng động, nắm bắt tìm hiểu được nhu cầu của hội viên, trên cơ sở đó hướng dẫn, xây dựng định hướng, kế hoạch hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Chủ động gắn bó với các cơ quan, đơn vị để cùng hỗ trợ các câu lạc bộ triển khai thực hiện. Động viên khen thưởng kịp thời, đồng thời chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho các câu lạc bộ trong quá trình hoạt động.
Việc chọn lựa người đứng đầu câu lạc bộ giỏi, có uy tín cả về nghề và đạo đức là nhân tố cực kỳ quan trọng cho việc duy trì và phát triển câu lạc bộ. Thực tế đã có những câu lạc bộ phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng do người đứng đầu chưa thu hút được các thành viên tham gia, chưa nhiệt tình, thiếu năng động. Về phía Hội cần tạo được môi trường đoàn kết, vui vẻ giúp đỡ lẫn nhau trong Ban chủ nhiệm, làm hạt nhân đoàn kết cho toàn câu lạc bộ, phòng tránh hiện tượng gây bè nhóm, làm phân hóa trong câu lạc bộ.
Hội chung tay cùng các câu lạc bộ chủ động làm tốt khâu vận động nguồn kinh phí theo hướng xã hội hóa từ ngay chính các hoạt động của câu lạc bộ. Bản thân Hội cũng phải nỗ lực tạo nguồn kinh phí bằng nhiều hoạt động để có điều kiện góp phần hỗ trợ cho các câu lạc bộ hoạt động.
Nhà báo Trần Trọng Dũng cũng đề xuất mô hình câu lạc bộ trực thuộc các cấp Hội hiện đang có xu hướng phát triển ở các cấp Hội, Liên chi hội nhưng chưa thống nhất về tên gọi, về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia… "Do đó mong Hội Nhà báo Việt Nam trên cơ sở khảo sát, sơ kết hoạt động của mô hình này để ban hành quy định chung về hoạt động của các câu lạc bộ, tạo sự thống nhất trong triển khai".
Hiện nay tham gia câu lạc bộ có nhiều thành viên tuy công tác trong cơ quan báo chí vì nhiều lý do chưa có thẻ nhà báo, thẻ hội viên. Trong Quy định tạm thời của Hội nhà báo TP HCM mới chỉ quy định Hội nhà báo xác nhận danh sách các thành viên câu lạc bộ theo đề xuất của Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ, chưa cấp giấy chứng nhận cho từng thành viên. Vì vậy nhiều ý kiến của các câu lạc bộ mong muốn Hội nhà báo TP HCM cấp Giấy chứng nhận cho cá nhân thành viên câu lạc bộ (có thời hạn) để khẳng định xác nhận tính chính danh cũng như là một hình thức trân trọng sự tham gia của các thành viên.
"Do đó xin đề xuất Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam xem xét quy định cụ thể để Hội nhà báo tỉnh, Thành phố được cấp giấy chứng nhận cho thành viên các câu lạc bộ (trước hết là đối với câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành)"- Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM nói.
Bình luận (0)