Nếu không tính tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vừa khởi công và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang xây dựng thì cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dài chưa tới 50 km đang hoạt động. Một con số quá ít ỏi so với tiềm năng, vị trí và tầm quan trọng của khu vực này.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện với 13 tỉnh thành, chiếm khoảng 18% dân số cả nước; 50% sản lượng lương thực cả nước; 65% sản lượng trái cây cả nước; 75% sản lượng thủy sản cả nước... Đồng bằng sông Cửu Long cũng là vùng trọng yếu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Nhưng vì nút thắt đặc biệt về giao thông, khiến cho những lợi thế của vùng này về lương thực, trái cây, thủy sản... suy giảm, do chi phí vận tải, logistics lên trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo là TP HCM và vùng Đông Nam Bộ, rồi từ đó tiếp cận ra khu vực và thế giới trở nên quá tốn kém, đắt đỏ.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được thông tuyến - Ảnh: MINH SƠN
Do đó, việc khởi công thêm một tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, và xa hơn là danh sách những dự án đầu tư công trong trung dài hạn có kế hoạch xây dựng thêm nhiều tuyến cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất xây dựng kế hoạch đầu tư 7 tuyến cao tốc ở khu vực này, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng mức đầu tư trên 37.000 tỉ đồng.
Đây là những tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm đúng mức của Chính phủ, các bộ - ngành đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn rộng ra, sự đầu tư này sẽ góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Bởi khi hạ tầng giao thông ở khu vực này phát triển, sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế của khu vực, giảm xin ngân sách từ trung ương. Đơn cử, hiện từ TP HCM về Cà Mau quãng đường chỉ khoảng 300 km nhưng di chuyển mất 7-8 giờ. Trong khi nếu có đường cao tốc thì chỉ mất 3-4 giờ, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí vận chuyển, logistics; tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đầu tư những tuyến đường cao tốc, huyết mạch; đầu tư vào những công trình dân sinh, cơ sở hạ tầng giao thông, nông thôn, xây cầu, đường... cũng quan trọng không kém để bảo đảm đời sống, đi lại của người dân Đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi hơn.
Muốn đạt những mục tiêu trên, cùng với sự đầu tư của ngân sách, sự quan tâm của Chính phủ, cũng rất cần các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thúc đẩy tiến độ dự án đầu tư công, củng cố niềm tin vào việc khu vực này xứng đáng được đầu tư xứng tầm. Bản thân các tỉnh, thành trong vùng cũng cần làm tốt từ việc thi công đúng tiến độ, không gây thất thoát, không tiêu cực...
Ngoài ra, giao thông quan trọng, nhưng không phải chỉ cần đầu tư cho giao thông là kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ cất cánh. Hiện khu vực này đang đối mặt với biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Do đó, rất cần nhà nước đầu tư nguồn lực để tăng cường sức chống chịu với tình trạng biến đổi khí hậu, như Nghị quyết 120 của Chính phủ. Trong dài hạn, một vấn đề khác cũng rất quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long là con người - đầu tư vào nguồn nhân lực, bởi con người cũng quyết định lớn đến khả năng thích ứng, chống chọi với biến đổi khí hậu và là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận (0)