Ngày 18-4, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Hội nghị Phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) vùng Đông Nam Bộ và triển khai thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiều điểm nghẽn
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh có tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm ở mức cao. Hơn 53,5% trong tổng số gần 2,8 triệu dân tại đây là người ngoài tỉnh đến sinh sống, làm việc, học tập... dẫn đến tình trạng thiếu trường, lớp. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo trình độ đại học (ĐH), sau ĐH của địa phương còn nhỏ và hạn chế, chất lượng và số lượng đào tạo còn khiêm tốn, mới đáp ứng được một phần yêu cầu của thị trường, nhất là ở những ngành nghề mà tỉnh và vùng đang cần như kinh tế, tài chính, logistics, trí tuệ nhân tạo...
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho hay ngân sách dành cho giáo dục của thành phố tăng theo từng năm - hiện chiếm chiếm 28% chi thường xuyên và 20% đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, thành phố đối mặt với áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, số lượng học sinh (HS) hằng năm tăng nhanh; số trường và phòng học chưa đủ bảo đảm 100% HS được học 2 buổi/ngày; chỉ tiêu diện tích đất/HS không đủ. Do đó, việc triển khai giáo dục toàn diện, lấy HS làm trung tâm gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (thứ 2 phải qua) cùng lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ trao đổi bên lề hội nghị
Với tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng việc tinh giản biên chế ngành GD-ĐT không nên thực hiện theo hướng bình quân, cào bằng mà cần theo thực tế từng địa phương. Trong đó, cần có chế độ đãi ngộ để giáo viên yên tâm công tác lâu dài.
Còn tại tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo địa phương phản ánh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực GD-ĐT gặp nhiều vấn đề. Một số chính sách khuyến khích xã hội hóa như giao đất sạch cho nhà đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất giáo dục chưa triển khai được. Hai tỉnh Tây Ninh và Bình Phước hiện chưa có trường ĐH nào.
Cần đổi mới mô hình đào tạo
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết theo quy hoạch, địa phương này sẽ đầu tư Khu Liên hợp Văn hóa - Thể dục - Thể thao - Y tế - Giáo dục với quy mô 1.500 ha, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để phát triển cơ sở giáo dục ĐH. Song song đó, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua xây dựng, ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm giảm áp lực cho nhà nước về ngân sách và biên chế sự nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường khẳng định thành phố luôn coi phát triển giáo dục là mục tiêu hàng đầu. Hằng năm, TP HCM dành kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, xây dựng TP HCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. "Phấn đấu giáo dục của TP HCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045" - ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung vào một số nhóm giải pháp như nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tiếp tục tăng cường trình độ tiếng Anh cho HS, sinh viên; bố trí, tạo quỹ đất sạch để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa xã hội hóa giáo dục, thu hút ngày càng hiệu quả nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ Nghị quyết 24/2022 để có quy hoạch cụ thể về phát triển mạng lưới GD-ĐT phù hợp với đặc thù. Đồng thời, các cơ quan quản lý phối hợp nghiên cứu xây dựng nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 29/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; cố gắng cuối năm 2023 có dự thảo nghị quyết mới.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các địa phương cần xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển lâu dài. Vì vậy, cần đổi mới các mô hình, tổ chức, tiên phong trong đào tạo, thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. "Về chính sách xã hội hóa, nhà nước chỉ nên đầu tư, quản lý những lĩnh vực cần; xã hội sẽ làm những công việc có không gian sáng tạo" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Cơ hội phát triển giáo dục vùng Đông Nam Bộ
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, thời gian qua, ngành GD-ĐT vùng Đông Nam Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế như: tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp; tình trạng quá tải tại các trường học, cơ sở đào tạo; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, HS tại địa bàn tập trung các KCN, KCX còn nhiều hạn chế... "Đông Nam Bộ là vùng đất trẻ, dân số trẻ nên sẽ là cơ hội tuyệt vời cho GD-ĐT phát triển hơn nữa. Bộ GD-ĐT sẽ có những định hướng cụ thể hơn để giúp GD-ĐT vùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển với mục tiêu đến năm 2030, GD-ĐT của vùng đứng đầu cả nước và tầm nhìn đến năm 2045 thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Bình luận (0)