Ngày 17-1, Ban Kinh tế trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.
Điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Ban Kinh tế trung ương sau 7 năm tái lập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách lớn. "Công tác phối hợp, hợp tác với Chính phủ thời gian qua có sự thống nhất cao, không có hiện tượng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" hay "ông nói gà, bà nói vịt", đồng thời không nhầm lẫn chức năng, nhiệm vụ giữa Ban Xây dựng Đảng và Chính phủ" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để đạt được kết quả tổng thể của năm 2020 cao hơn năm 2019 như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng đề nghị Ban Kinh tế trung ương phải là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy, dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hiện thực hóa các đề xuất, kiến nghị của ban thành nghị quyết của trung ương, của Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư. Thủ tướng lưu ý những đề xuất này phải sát với thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tại hội nghị ngày 17-1Ảnh: MINH PHONG
Thủ tướng cũng đặt vấn đề thời gian tới cần điều chỉnh chiến lược công nghiệp hóa, nhất là trong cam kết chống biến đổi khí hậu của nước ta với thế giới. Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách để chuyển giao công nghệ, thực hiện việc "sản xuất tại Việt Nam", "sản xuất bởi Việt Nam" và thu hút FDI trong tình hình mới. Là quốc gia có 28 tỉnh, TP giáp biển thì cần phát triển theo hướng bền vững, đồng thời gắn chặt với tài nguyên biển. Thời gian tới, cần lựa chọn đường lối phát triển kinh tế biển như thế nào để tận dụng được các tiềm năng của nước ta.
Nhắc đến mô hình đặc khu kinh tế tại hội nghị, Thủ tướng cho biết mô hình này đã giúp nhiều quốc gia vươn lên, nhanh chóng tham gia các nhóm quốc gia công nghiệp phát triển. Do đó, chọn lựa mô hình mà Việt Nam có thể áp dụng để tìm được động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. "Việt Nam có cần đặc khu kinh tế không? Chúng ta tiếp tục làm không? Những khu kinh tế, khu công nghiệp, những đặc khu kinh tế là những mô hình mà chúng tôi nghĩ rằng phải tiếp tục nghiên cứu tốt hơn. Ban Kinh tế sẽ giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như Chính phủ tiếp xử lý vấn đề này" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hoạch định phát triển kinh tế biển
Trình bày tham luận tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự hỗ trợ, giúp đỡ và thường xuyên trao đổi tình hình giữa Ban Kinh tế trung ương và TP HCM trong thời gian qua. Theo phân công của Bộ Chính trị, TP HCM đang chuẩn bị đề án điều chỉnh tỉ lệ phân chia ngân sách.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hầu hết các nước đang phát triển hiện nay thì dân số, nguồn lao động dồi dào và chất lượng cao là lợi thế rất quan trọng. TP HCM đang hội tụ các yếu tố này, với 4,5 triệu lao động, đông nhất cả nước và có hệ thống giáo dục - đào tạo khá phát triển. Song, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận tình trạng yếu kém trong kết nối giữa các cực phát triển. Vì thế, TP đang thực hiện sự kết nối này ở một quy mô giới hạn, đó là xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Ở đây hiện có khu công nghệ cao thành công bậc nhất cả nước, thu hút 7 tỉ USD và xuất khẩu mỗi năm trên 8 tỉ USD. Nơi đây cũng có mật độ trường đại học chất lượng cao nhất cả nước với trên 100.000 sinh viên, 2.000 tiến sĩ cùng các trung tâm đào tạo - nghiên cứu lớn. "Khu vực này chiếm 11% diện tích TP, chiếm 11% dân số, triển vọng đóng góp ít nhất 30% tổng sản phẩm kinh tế của TP HCM" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin.
Một điểm quan trọng được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh là TP nhận thức lại về kinh tế biển. "Lâu nay, chúng tôi coi huyện Cần Giờ và các cảng liên quan là nguồn lực chính của kinh tế biển nhưng như thế là không phải. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng từ bờ biển trở vào khoảng 100 km là vùng đất có nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế biển. Như ở Mỹ, trong vòng 100 km từ bờ biển trở vào, chiếm khoảng 1/3 diện tích nước Mỹ, đóng góp 85% cho nền kinh tế" - Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng.
Chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030
Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết năm 2019, ban đã đăng ký và được Bộ Chính trị giao chủ trì xây dựng 8 đề án lớn, đến nay đều đã hoàn thành. Trong đó, Bộ Chính trị đã thông qua 6 đề án và ban hành 2 nghị quyết, 3 kết luận, 1 nghị quyết đang trình để ban hành. "Đây là những đề án quan trọng làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành một số chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội về các vấn đề như nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" - ông Cao Đức Phát nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết ban đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất của ban về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.
Bình luận (0)