Lâu nay, nấm lim xanh được xem là loại dược liệu quý hiếm vì chỉ hái lượm trong môi trường tự nhiên. Hiện nay, khi nền khoa học trong nước phát triển, nấm lim xanh được sản xuất trên mùn cưa hỗn hợp kết hợp với công nghệ vi sinh có thể tạo ra nấm lim xanh không chỉ chất lượng mà còn bảo đảm an toàn hơn nấm mọc hoang trong rừng.
Dễ dàng phân lập
Nấm lim xanh có tên khoa học Garnodema Lucidum, là dòng linh chi đặc hữu, mọc trên cây lim xanh trong rừng nguyên sinh. Nấm lim xanh có nguồn gốc từ vùng Tiên Phước (Quảng Nam) nên còn được gọi là nấm lim xanh Quảng Nam. Đây vốn là loại thảo dược đã được sử dụng trong các phương thuốc Đông y cách nay hơn 2.000 năm.
Theo nhiều nghiên cứu, nấm lim xanh được miêu tả là một loài nấm quả thể. Phần mũ tán có bề rộng khoảng 20 cm, xòe ra như hình quạt và độ dày từ 2 - 5 cm. Phần chân nấm ngắn, có thể khuyết lõm hoặc không khuyết lõm. Nhìn chung, phần mũ tán nấm dày và cứng, thậm chí nhìn đen bóng như sừng, không có gì đặc sắc. Tuy nhiên, khi phơi khô thì nó có mùi thơm thảo dược rất rõ.
Trước đây, nghiên cứu về nấm lim xanh còn hạn chế vì chưa biết nhiều về giá trị của nó; đặc biệt là việc phân lập cũng như nuôi trồng loại nấm này còn khó khăn. Tuy nhiên gần đây, khi công nghệ sinh học trong nước phát triển, những vấn đề này đã được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nghiên cứu cũng như mở ra mô hình trồng và phát triển nấm lim xanh rộng khắp.
Với những kinh nghiệm trong việc nuôi trồng và phát triển nhiều loại nấm ăn, dược liệu từ những loại dễ trồng như bào ngư, nấm mèo hay đến những loại nuôi trồng cần đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó như nấm kim châm, chân dài, mối đen..., các loại nấm dược liệu như đông trùng hạ thảo, vân chi, hắc chi, linh chi đỏ, lim xanh..., được đội ngũ kỹ sư của Phòng Hỗ trợ công nghệ vi sinh thuộc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM nghiên cứu phát triển thành công quy trình nhân giống nuôi trồng từ giai đoạn phân lập nấm trong tự nhiên đến tạo quả thể, tạo thành phẩm nấm đạt chất lượng cao.
Anh Nguyễn Ngọc Duy - Phó trưởng Phòng Hỗ trợ công nghệ vi sinh của trung tâm này, cho biết điểm khó trong việc bảo tồn và phát triển loại nấm lim xanh là nhận dạng đúng loại nấm này trong tự nhiên, bảo quản được và có phương pháp khử trùng thích hợp để hiệu quả phân lập cao. Hiện nay, môi trường phân lập nấm là PGA (250 g khoai tây, 20 g đường glucose, 20 g agar) vẫn là môi trường thích hợp nhất để phân lập loại nấm này. Do loại nấm này phát triển trong tự nhiên trên những cây gỗ lim mục nên có những dược tính đặc trưng, vì vậy cần tìm được loại giá thể thích hợp trồng nấm lim xanh để cho ra được quả thể có chất lượng và dược tính tương đương với những cây nấm phát triển ở trong rừng. Các loại mùn cưa như mùn cưa cao su, dó bầu...cũng khá thích hợp cho nấm lim xanh phát triển.
Lợi thế của việc trồng nhân tạo nấm lim xanh là chúng ta có thể kiểm soát tất cả các giai đoạn nấm phát triển từ bào tử đến quả thể, kiểm soát các yếu tố gây hại cho nấm, cho ra được quả thể nấm vừa đạt chất lượng cao cùng mẫu mã vô cùng bắt mắt.
Quy trình tạo phôi, trồng và thu hoạch nấm lim xanh của một cơ sở trồng nấm tại TP HCM.Ảnh: Ngọc Thảo
Ai cũng có thể trồng được
Anh Nguyễn Tiến Duy - chuyên viên Phòng Hỗ trợ công nghệ vi sinh Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM, cho biết để có thể thu được năng suất cao nhất, chất lượng ổn định nhất thì khu nhà trồng nấm lim xanh phải luôn bảo đảm duy trì ở nhiệt độ 25 - 30 oC, độ ẩm từ 60% -80% được cung cấp bằng hệ thống phun sương, có hệ thống quạt phủ đều trong diện tích trồng; giá thể trồng, ngoài mùn cưa còn được bổ sung các loại cám bắp, gạo... để cung cấp thêm dinh dưỡng cho nấm phát triển nhanh hơn. Nấm trồng sau khoảng 60 - 70 ngày có thể thu hoạch, với đường kính tai nấm đạt khoảng 5 - 10 cm, quả thể màu đỏ nâu, cuống nấm dài từ 6 - 10 cm. Kết quả phân tích hàm lượng dinh dưỡng của nấm lim xanh trồng theo cách này có chứa protein tổng số chiếm 15,46%, carbohydrate (41,42%), xơ (37,70%) và khoáng chất (2,45%).
Với mô hình trồng nấm lim xanh trên giá thể mùn cưa có thể vừa tận dụng nguyên liệu phế phẩm nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất; đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm, dễ xử lý. Mùn cưa cao su sau khi sử dụng trồng nấm lim xanh còn có thể tận dụng trồng nấm rơm, sau đó ủ làm phân bón, cải tạo đất trồng. Chất lượng nấm trồng trên giá thể nhân tạo vẫn bảo đảm giá trị dược liệu như nấm thu hoạch ngoài tự nhiên; quả thể nấm có kích thước lớn, dày, màu sắc đẹp thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Đây có thể được coi là hướng đi vừa phát triển kinh tế gia đình vừa bảo tồn nguồn nấm dược liệu có giá trị và tạo ra các sản phẩm cũng như quy trình thân thiện với môi trường hỗ trợ vào việc bảo vệ môi trường.
Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao cũng đã hỗ trợ thành công việc chuyển giao quy trình nuôi trồng những loại nấm có giá trị kinh tế, giá trị dược liệu, giá trị bảo tồn cho các doanh nghiệp cũng như các cá nhân có nhu cầu. Sau quá trình chuyển giao, các hộ gia đình, doanh nghiệp đã có thể tự mình dễ dàng trồng những loại nấm khó trồng; phát triển kinh tế từ những mô hình chất lượng cao này.
Hiện nay, giá bán loại nấm này cũng khá cao. Trung bình dao động từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg nấm khô. Năng suất trung bình đạt khoảng 700 - 1.000 kg/10.000 bịch phôi nấm. Mỗi năm có thể trồng từ 2 - 3 vụ. Với giá bán cao hơn hẳn các loại nấm linh chi khác, nấm lim xanh cũng được coi là đối tượng có thể phát triển kinh tế ổn định cho các hộ gia đình. Nuôi nấm lim xanh nhân tạo cũng có tiềm năng và lợi thế hơn hẳn việc khai thác ngoài tự nhiên vì số lượng nấm ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt; hơn nữa, việc chủ động nhân giống nuôi trồng giúp duy trì số lượng ổn định, mẫu mã sản phẩm cũng đẹp hơn, bảo đảm chất lượng cho thị trường tiêu thụ.
Nấm lim xanh có lợi ích trong hỗ trợ y tế đối với sức khỏe người bệnh ở chỗ không có tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ không đáng kể, hầu hết chỉ xảy ra một ít sự khó chịu tại thời điểm bắt đầu sử dụng nấm để cơ thể có thể kịp thời thích nghi với các dược chất.
Dược tính trong nấm lim xanh có nhiều tác dụng nổi bật như hỗ trợ và điều trị ung thư, xơ gan (kể cả gan nhiễm mỡ), phì đại tuyến tiền liệt, bệnh gout, viêm khớp, đái tháo đường, đau dạ dày (kể cả đại tràng), tai biến mạch máu não sau đột quỵ...
Nấm lim xanh còn được sử dụng như một loại thực phẩm giúp tăng cường và phục hồi chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể: Giải độc gan khi bị ngộ độc do uống rượu, bia hoặc bị nhiễm độc tố khác; hỗ trợ tăng cường sinh lực; thanh lọc, làm mát cơ thể; hỗ trợ giảm mỡ máu và giảm bớt lượng mỡ thừa có lợi trong việc giảm béo phì, chống tăng cân hiệu quả; giảm và kiểm soát bệnh cao huyết áp...
Bình luận (0)