Ngày 4-2, tại TP Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ, gồm 6 tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Những kế hoạch lớn
Tại hội nghị, ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh chiếm tỉ trọng 12,91% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh, tăng 2,5% so với năm 2021; tổng kim ngạch thủy sản đạt 760 triệu USD, tăng 18,9% so với năm 2021. Khánh Hòa đang chú trọng đầu tư trở thành một trung tâm nghề cá lớn của cả nước. Tỉnh cũng đang xây dựng các giải pháp trọng tâm để phát triển công nghệ nuôi biển như: Lựa chọn đối tượng và công nghệ nuôi phù hợp với vùng biển ven bờ; thực hiện một số mô hình nuôi biển thí điểm làm cơ sở để chuyển đổi… Bên cạnh đó, tỉnh có sản phẩm yến sào thiên nhiên lớn nhất cả nước, đem lại giá trị kinh tế cao và đang thực hiện các thủ tục để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ mạnh.
Ông Từ Văn Tám, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế với tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh năm 2022 ước đạt hơn 18.000 tỉ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021. Tỉnh đã có 90 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh. Quảng Ngãi đang phát triển về lâm nghiệp chủ yếu trồng keo, xuất khẩu gỗ dăm và phát triển dược liệu quý mang thương hiệu quế Trà Bồng.
Theo đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, là địa phương có diện tích nông nghiệp nhỏ hẹp nên Ninh Thuận đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản là thế mạnh với hơn 2.400 tàu cá. Tuy nhiên, tỉnh hiện khai thác khoảng 126.000 tấn hải sản vượt kế hoạch đến năm 2025. Do đó, tỉnh không chủ trương đóng tàu lớn mà phát triển giống thủy sản với 450 cơ sở sản xuất. Tính riêng tôm giống đã sản xuất lên đến 42 tỉ con cho cả nước.
Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ cho biết đang thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao sản xuất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Các tỉnh đang hợp tác với một số tập đoàn kinh tế lớn để áp dụng công nghệ, đặt nhà máy chế biến, tránh xuất khẩu thô sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế từ sản phẩm nông nghiệp, gắn liền với chương trình OCOP.
Công nghệ nuôi biển ở Khánh Hòa
Đổi mới kinh tế số nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho rằng thách thức lớn nhất của khu vực Nam Trung Bộ là thời tiết cực đoan bão lũ; quy mô sản xuất manh mún, cơ chế chính sách nhỏ lẻ, những nút thắt khắc phục chậm; nguồn lực cạnh tranh như đất đai, vốn tín dụng còn hạn chế; thu nhập của nông dân chưa cao. Các tỉnh cần quản lý tốt về rừng và phát triển nguyên liệu, dược liệu dưới tán rừng; chọn những sản phẩm mang tính đặc hữu phục vụ cho du lịch. Bên cạnh đó, có giải pháp liên kết vùng vì các sản phẩm gần nhau. Việc phát triển nông nghiệp cần gắn với công nghiệp chế biến và du lịch.
"Giải pháp đưa ra là cần đầu tư khoa học - công nghệ, đổi mới kinh tế số trong nông nghiệp. Trong đó, phải nâng cao năng lực nguồn nhân lực - nhất là nông dân, ngư dân, quản lý. Chúng ta phải rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách để tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư lĩnh vực nông nghiệp cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần chú ý việc giải ngân vốn đầu tư công để tạo động lực. Địa phương cần chuẩn bị các dự án, Vụ Kế hoạch sẽ ưu tiên cho các tỉnh triển khai việc xây dựng hồ chứa lớn" - ông Việt nêu ý kiến.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phân tích ở nước ta có khái niệm nông nghiệp công nghệ cao, vậy như thế nào là cao? Công nghệ dù nhỏ nhưng khi áp dụng vào thực tế đưa lại hiệu quả cao, lan tỏa thì cái đó mới thật sự là cao. "Chúng ta đào tạo nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp như giáo sư, tiến sĩ nhưng tôi đi kiểm tra có ngư dân vẫn không biết chữ. Tại sao chúng ta không đào tạo cho ngư dân, nông dân? Ở đây có sự đứt quãng, rời rạc. Chính sự không chuyên nghiệp này khiến sản phẩm thu hoạch trên biển về hao hụt đến 40%" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đừng ngại khó, mà hãy bắt đầu phát triển nông nghiệp theo hướng tích hợp, công nghệ cao.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nếu là lúa thì ở Tây Bắc không thể so sánh với đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long được. Thế nhưng, lúa Tây Bắc là lúa rẫy, là đặc sản gắn liền hình ảnh địa phương, dù ít nhưng giá trị cao. Chẳng hạn như ở Mù Cang Chải, nông dân trồng lúa để bán vé cho khách tham quan; trâu cày Hội An cho khách nước ngoài xem; các học sinh Trường THPT Nam Định đưa ra sản phẩm bơ đậu phộng (lạc) với bao bì đẹp, đưa đi tiêu thụ… Đó là cách nhìn về sản phẩm nông nghiệp tích hợp.
Phải đổi mới tư duy
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ tổ chức 2 hội nghị về phát triển giá trị rừng, những vấn đề liên quan thể chế và mô hình nuôi biển. Chủ đề hội nghị cần giải quyết các câu hỏi như "bắt đầu từ đâu?", "bắt đầu từ ai?", "bắt đầu khi nào?". Bộ trưởng đề nghị các địa phương trước tiên phải đổi mới tư duy, vì khi tư duy mở thì không gian phát triển sẽ mở ra và tạo ra không gian giá trị mới.
Bình luận (0)