xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phi công Nguyễn Văn Bảy - anh hùng bình dị

Văn Duẩn - Tâm Minh

Sau cơn đột quỵ, đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Quân y 175 trong tình trạng hôn mê sâu

Đang có chuyến công tác tại Liên bang Nga, nhận tin Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy đột quỵ, thượng tướng Võ Văn Tuấn, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết cách đây mấy tháng, ông đã về Đồng Tháp thăm ông Bảy và cùng đi câu cá. "Dù ở tuổi ngoài 80 nhưng trông bác Bảy rất khỏe mạnh. Tôi mong bác sẽ qua được cơn bạo bệnh này" - thượng tướng Tuấn bày tỏ.

Đánh du kích bằng không quân

Ông Tuấn cho biết với ông, phi công Nguyễn Văn Bảy là thần tượng. Trong các loại máy bay chiến đấu, Mig-17 nhỏ, tốc độ chậm (không quá 1.000 km/giờ) và xạ kích bằng súng, vậy mà với Mig-17, ông Bảy đã bắn rơi 7 máy bay địch. Đây là một chiến tích tuyệt vời.

Cũng theo ông Tuấn, giới phi công quân sự trên thế giới có một thỏa thuận ngầm với nhau rằng phi công bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên thì đạt được cấp Ách (Ace) - đẳng cấp cao nhất. "Việt Nam mình có 18 phi công đạt cấp Ace, riêng phi công Nguyễn Văn Bảy là người duy nhất dùng Mig-17 bắn rơi 7 máy bay địch. Rất độc đáo và tài giỏi, không chỉ giỏi nhất Việt Nam và có lẽ cũng là giỏi nhất thế giới" - thượng tướng Võ Văn Tuấn khen.

Phi công Nguyễn Văn Bảy - anh hùng bình dị - Ảnh 1.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy bên hoa trái vườn nhà Ảnh: NHA MÂN

Độc đáo nữa là ông Bảy - một trong những người đưa ra cách đánh du kích bằng không quân. Ông Tuấn cho biết chiếc máy bay Mig-17 rất thô sơ, thấp hơn rất nhiều về tính năng tác chiến, kỹ thuật, vũ khí so với không quân Mỹ. Vì vậy, phi công Nguyễn Văn Bảy đã chọn cách đánh quần thảo, bám gần sau lưng máy bay địch để đánh.

"Trong không quân, nhiều phi công lái Mig-17 bắn rơi máy bay địch và được phong anh hùng. Nhưng phi công Nguyễn Văn Bảy là người đầu tiên và duy nhất lái Mig-17 bắn rơi được 7 máy bay địch hiện đại. Đó là điều đặc biệt và các thế hệ phi công sau này đều học tập cách đánh của ông Nguyễn Văn Bảy" - ông Tuấn kể.

Dù tài giỏi và lập được nhiều chiến công nhưng Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy luôn là người chất phác, giản dị, được thế hệ sau noi gương. "Tôi được thành đạt như ngày hôm nay, một trong những động lực đó chính là phấn đấu, học tập theo tấm gương của thần tượng Nguyễn Văn Bảy. Dù bác không trực tiếp dạy nhưng trong đầu tôi luôn nghĩ và luôn coi bác là người thầy trong con đường binh nghiệp của mình cũng như trong cuộc sống, ứng xử" - thượng tướng Võ Văn Tuấn bày tỏ.

Cuộc đời bình dị

Sau khi nghỉ hưu, đại tá Nguyễn Văn Bảy về quê nhà ở ấp Hậu Thành, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp sinh sống. Nghe tin ông Bảy nhập viện điều trị vì đột quỵ, người dân ở đây ai cũng lo lắng, mong ông mau chóng khỏe mạnh.

Người dân ấp Hậu Thành cho biết trước đây, khu vực này là vùng sâu, không điện, không nước sạch, mưa lớn là ngập hết các lối đi. Khi về đây, ông Bảy chạy đôn chạy đáo vận động và tự thân đóng góp để cả ấp - dù vẫn trong đồng sâu - có đủ điện, đường, trường, trạm, nước máy đến từng nhà.

Ghé thăm ông Nguyễn Văn Bảy từ nhiều năm trước, chúng tôi rất ấn tượng với người đại tá phi công với thân hình gầy nhưng rắn rỏi, nụ cười rạng rỡ với hàm râu dài. Trở về quê nhà sau nhiều năm cống hiến cho đất nước, ông Bảy không nghỉ ngơi mà lao vào cải tạo mảnh vườn sau nhà để kiếm thêm hoa lợi hỗ trợ các cháu học sinh nghèo, hiếu học ở địa phương.

Phi công Nguyễn Văn Bảy - anh hùng bình dị - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Tuấn và Anh hùng Nguyễn Văn Bảy trong một lần hội ngộ. (Ảnh do thượng tướng Võ Văn Tuấn cung cấp)

Hằng ngày, ông Bảy thức dậy lúc 5 giờ và bắt tay vào làm việc, từ chăm sóc vườn tược, trồng hoa kiểng đến hái rau, bắt ốc, cho cá ăn… Việc nhà xong thì ông Bảy lại đi vận động người dân trong xã làm giao thông, thủy lợi. Không chỉ vậy, người phi công lừng lẫy một thời còn là "hòa giải viên" có hạng ở địa phương. Với uy tín cũng như cách ăn nói có tình có lý, ông Bảy đã hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp hay mâu thuẫn của người dân trong xã.

Bước vào gian nhà đơn sơ của ông Bảy, chúng tôi thấy trên bức tường treo chiếc áo lính với quân hàm đại tá và nhiều huân chương gắn trên ngực áo. Bên cạnh đó là nhiều tấm ảnh lưu niệm ông Bảy chụp với các đoàn khách, có đoàn là cựu binh Mỹ, những phi công từng tham chiến ở Việt Nam, từng đối đầu với ông Bảy trên bầu trời miền Bắc những năm 1960.

Sau khi dẫn chúng tôi tham quan khu vườn nhà, ông Bảy giữ chúng tôi lại ăn cơm với cây nhà lá vườn và cười khề khà: "Làm vài ly với tao, muốn hỏi gì tao nói cho nghe".

Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể cuộc đời ông toàn ứng với con số 7. Ông thứ Bảy, tên Bảy. Năm 17 tuổi, cha mẹ ông bắt lấy vợ, ông không chịu, trốn đi du kích đánh Tây. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, ở đơn vị bộ binh. Học chưa hết lớp 3, đơn vị đưa ông Bảy đi Lạng Sơn học bổ túc văn hóa 7 năm. Năm 1960, ông đổi qua binh chủng không quân và được cử đi học lái máy bay phản lực ở Liên Xô. Ban đầu học lái Yak - 52, sau học lái Mig-17.

"Khoảng tháng 4-1965, tao hoàn thành xuất sắc chương trình học lái Mig-17, trở về nước nhận nhiệm vụ lái Mig-17 đi đánh Mỹ. Tao có tất cả 13 lần xuất kích, trong đó có 7 lần bắn hạ 7 máy bay Mỹ. Chiếc đầu tiên bắn hạ là ngày 19-6-1965, biên đội Mig-17 của tao được lệnh xuất kích vì máy bay Mỹ đang quần trên bầu trời Yên Thế. Khi Mig-17 của tao lao tới, chúng nó kéo cả bầy ùa lại phản kích, bắn đạn quá rát làm tao phải luồn lách liên tục để né. Tới chừng Mig-17 của tao lắc quá, biết máy bay mình bị thương nhiều rồi, tao liều mình bay vút ra ngoài vòng vây máy bay Mỹ rồi tìm chỗ hạ cánh" - ông Bảy nhớ lại.

Ông Bảy kể thêm: Liên tiếp các trận sau, ông rút ra nhiều kinh nghiệm để bay và chiến đấu. Năm 1966, từ trận ngày 21-6 đến trận ngày 24-6, mỗi trận ông hạ 1 máy bay Mỹ. Ở trận ngày 24-6, 2 máy bay Mỹ đang ném bom bừa bãi, phi đội của ông mỗi người một chiếc Mig-17 từ xa bất ngờ lao thẳng vào đội hình máy bay Mỹ. Mig-17 của ông có lúc bay theo trục thẳng đứng vút lên, bổ nhào xuống, nã đạn. Một chiếc F-4 Mỹ trúng đạn bốc cháy trên không trung. Chiếc còn lại cũng bị đồng đội ông bắn rớt.

"Còn trận ngày 5-9, tao và ông Võ Huy Mẫn mỗi phi công một chiếc Mig trên bầu trời, phát hiện hướng Cầu Giẽ, Phủ Lý nằm giữa Hà Tây và Nam Hà có 2 chiếc F-8 ném bom rồi lủi lên đám mây mù dày đặc để trốn. Tao gọi cho ông Mẫn cùng bất thần lao Mig tới mục tiêu và nã đạn. Cả 2 chiếc oanh tạc máy bay Mỹ, hạ gục nó ngay" - ông Bảy nhớ lại. 

Bác Hồ cho ngưng đi chiến đấu vì sợ mất người tài

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho biết Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy có một chòm râu nhìn rất ấn tượng. Theo ông Bảy, khi ông bắn rơi được 7 máy bay địch thì Bác Hồ không cho ông trực tiếp lái máy bay chiến đấu nữa mà rút về hậu cứ để đào tạo, huấn luyện phi công. Sở dĩ như vậy vì Bác lo ngại những phi công chiến đấu hàng đầu như ông Bảy nếu trực tiếp tham gia chiến đấu không may có thể hy sinh. "Ông Bảy kể rằng Bác Hồ nói nếu để phi công Bảy đi chiến đấu mà hy sinh thì sẽ cảm thấy có lỗi với đồng bào miền Nam. Chính vì vậy, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sau này để râu dài như Bác Hồ để tưởng nhớ Bác" - thượng tướng Võ Văn Tuấn nói thêm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo