"Crazy Rich Asians" hấp dẫn bởi bên cạnh cách làm phim lạ thì nội dung của nó thuộc mảng đề tài "hot", nói về sự giàu có. Không chỉ vậy, thông điệp của phim khẳng định dân châu Á đang trỗi lên như một thế lực hùng mạnh của thế giới, bên cạnh Mỹ và châu Âu.
Đó đã là thực tế chứ không còn là chuyện trong phim. Nhưng cái cách trở nên giàu có tại một số quốc gia châu Á không giống như ở các châu lục thịnh vượng khác, nói cụ thể hơn là cách biệt giàu - nghèo trong dân quá lớn. Ví dụ như Trung Quốc. Phân tích của Oxfam hồi năm ngoái cho biết 79% giá trị của cải được tạo ra ở cường quốc này rơi vào tay 1% dân số là những người giàu nhất nước. Hay như ở Ấn Độ, 73% giá trị của cải thuộc về nhóm 1% những người giàu nhất quốc gia. Ở Đông Nam Á, Thái Lan có tỉ lệ bất bình đẳng cao nhất với 96% lượng của cải tạo ra trong năm 2017 rơi vào tay 1% dân số.
Việt Nam thì sao? Cũng theo Oxfam, khoảng cách giàu, nghèo tại nước ta ngày càng tăng. Chỉ cần thu nhập trong 1 năm, nhóm 210 người siêu giàu xứ Việt đủ sức đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước. Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, hiện cả nước ta vẫn còn đến 9 triệu người nghèo và 72% trong số đó là người dân tộc thiểu số, phần lớn họ sống tại vùng cao.
Sự cách biệt đó tạo nên những bức tranh xã hội tương phản, rất dễ nhìn thấy và nhói lòng. Như những ngày qua, trái với cảnh nô nức, tưng bừng trống giong cờ mở khai giảng năm học mới ở hàng chục vạn trường học trên toàn quốc thì tại nhiều điểm trường ở vùng cao hay vùng đang bị thiên tai, buổi khai giảng diễn ra thật sơ sài, thiếu thốn. Nói đâu xa, ngay tại TP HCM hôm 5-9, một người đăng lên mạng xã hội bức ảnh 3 em nhỏ bán vé số da đen nhẻm, vận bộ đồ cũ đu bám hàng rào một trường học ở quận Tân Phú, trông vào bên trong - nơi đó, bao bạn bè đồng trang lứa với các em đang xúng xính trong quần áo mới giữa tiếng trống khai trường rộn ràng. Dẫu biết rằng sự giàu và cái nghèo luôn tồn tại song song, ở đất cứ nơi nào nhưng làm sao khỏi nhói đau khi bắt gặp những trường hợp như vậy và làm sao để ngày càng ít đi những nghịch cảnh như thế? Phổ cập giáo dục đã đến hết bậc THCS mà vẫn còn quá nhiều trẻ em không được đến trường, đó là tội lỗi của người lớn!
Khoảng cách giàu - nghèo thường sinh nhiều hệ lụy, riêng những người giàu lên thật nhanh thường nảy nòi nhiều hành vi lệch chuẩn. Chuyện mua dâm hơn nửa tỉ đồng một lượt vừa được công khai ở
TP HCM mấy ngày qua là điển hình. Người làm ra tiền từ mồ hôi nước mắt và chất xám của mình thì chẳng ai xài như vậy. Những trường hợp như thế này có thể gây nên sự đua đòi và để đạt cho được mục đích thì đối với nhiều người, con đường phạm pháp chẳng mấy xa.
Vì thế, thu ngắn cách biệt giàu - nghèo là nhiệm vụ quan trọng nhưng không dễ đạt được chút nào.
Bình luận (0)