xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

PVN rót hàng trăm triệu USD vào Junin 2 Venezuela: Phớt lờ cảnh báo

Bài và ảnh: Minh Chiến

11 dự án đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có Junin 2 Venezuela, đang gặp khó khăn, có dự án tạm dừng, nguy cơ mất vốn

Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an (C03) vừa đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu về dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela (dự án Junin 2) của Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN, để xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện đầu tư dự án.

Hàng trăm triệu USD đã rót...

Dự án Junin 2 do PVEP làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2010 trên cơ sở thành lập Công ty Liên doanh Petromacareo giữa PVEP và Công ty Dầu khí Venezuela (đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela).

PVEP đại diện cho PVN góp 40% tại liên doanh này, tương đương giá trị hợp đồng khoảng hơn 1,2 tỉ USD. Nếu tính cả "phí tham gia hợp đồng" 584 triệu USD, tổng vốn của PVEP bỏ ra là hơn 1,8 tỉ USD. Dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela thời điểm đó được các bên đánh giá là dự án phát triển khai thác dầu khí khổng lồ với trữ lượng dầu khí rất lớn. Theo thỏa thuận, dự án được khai thác trong vòng 25 năm và có thể gia hạn.

Trong báo cáo tài chính năm 2010, PVN còn đánh giá hoạt động khai thác và phát triển mỏ ở nước ngoài của tập đoàn có những bước tiến vượt bậc khi ký hợp đồng thành lập công ty liên doanh nêu trên. Dự án này được ký kết đưa tổng số các mỏ đang phát triển và khai thác ở nước ngoài của PVN lên 6 dự án. Đến báo cáo tài chính năm 2012, lần đầu tiên số tiền thực tế mà PVEP đã rót vào siêu dự án này được công bố là hơn 1.523 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng.

Trong báo cáo tài chính mới nhất năm 2017, chi phí phát triển mỏ đối với các hợp đồng dầu khí tại nước ngoài tính đến ngày 31-12-2017 bao gồm khoản chi phí tham gia trả lần đầu và lần thứ 2 với tổng số tiền 442 triệu USD mà PVEP đã chuyển cho Venezuela để được tham gia đầu tư dự án Junin 2. Báo cáo này không giải trình rõ về khoản phí "lạ" này. Đáng chú ý, PVEP trả khoản phí tham gia phải trả lần cuối cùng cho phía Venezuela là 142 triệu USD. Tuy nhiên, PVEP xin gia hạn đến khi hoàn thành các hoạt động thẩm định và đánh giá đầy đủ trữ lượng của lô Junin 2.

Trong báo cáo kiểm toán độc lập của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam kèm theo báo cáo tài chính năm 2017 của PVN, Deloitte Việt Nam cũng thể hiện khoản đầu tư của PVEP vào công ty liên doanh, khoản phí tham gia phải trả lần đầu và lần thứ 2 để được tham gia đầu tư khai thác đang được ghi nhận theo giá gốc với tổng số tiền là hơn 10.753 tỉ đồng. "Chúng tôi không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng mang lại lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản chi phí tham gia phải trả lần đầu và lần thứ 2" - báo cáo kiểm toán của Deloitte Việt Nam nêu.

Đến nay, PVEP đã rót 442 triệu USD và các chi phí đầu tư lớn khác. Tuy nhiên, dự án đã dừng triển khai từ năm 2013. Việc thu hồi số tiền này đến nay vẫn nan giải.

PVN rót hàng trăm triệu USD vào Junin 2 Venezuela: Phớt lờ cảnh báo - Ảnh 1.

Nhiều dự án đầu tư của PVN ra nước ngoài thua lỗ

Phớt lờ cảnh báo

Hiện nay, PVN tham gia 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, ủy quyền cho PVEP thực hiện. Trong số này, 11 dự án đang gặp khó khăn, có dự án phải tạm dừng triển khai, đứng trước nguy cơ mất vốn đầu tư, điển hình là dự án Junin 2 Venezuela nêu trên.

Một loạt dự án ở Peru như lô 67 và lô 39 đang chờ chuyển nhượng cho đối tác khác. Dự án lô PM 304 (Malaysia) cũng đang được kiến nghị chuyển nhượng 15% vốn góp của PVN. Tại dự án lô Nagumanov ở Nga, PVN tham gia với tỉ lệ vốn góp 49% trong Công ty TNHH Gazpromviet - GPV để nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí tại Nga và các nước thứ ba. Tháng 4-2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ việc chưa đồng ý cho PVN rút khỏi công ty này vào thời điểm hiện nay. Tháng 10-2017, Thủ tướng Chính phủ có công văn chấp thuận về phương thức tiếp tục tham gia của PVN trong Công ty TNHH Gazpromviet.

Dự án thăm dò lô Marine XI tại Congo, PVEP tham gia 8,5% và gánh vốn cho công ty nước chủ nhà 1,5% trong giai đoạn thăm dò. Tháng 7-2017, Bộ Dầu Congo đã phê duyệt chuyển nhượng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hai bên đang gấp rút hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng và PVEP đóng pháp nhân tại Congo nhưng đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý.

Đáng chú ý, dự án lô Donan tại Iran, PVEP đầu tư 100% vốn với mục tiêu tìm kiếm thăm dò dầu khí trong diện tích hợp đồng dịch vụ thăm dò dầu khí Donan, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 82 triệu USD, thực hiện trong vòng 25 năm. Tháng 8-2018, PVN đã có Công văn số 309 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin tạm chưa tái khởi động dự án, tiếp tục thực hiện phương án tạm dừng, giãn tiến độ. Một loạt dự án đầu tư khác tại Myanmar, Campuchia cũng đang gặp khó trong quá trình thực hiện và chuyển nhượng dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 14-3, một nguyên lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết ông và bộ này đã nhiều lần cảnh báo về việc thực hiện đầu tư dự án này, cụ thể ở các vấn đề tài chính, tỉ giá, điều khoản hợp đồng, phương án thu hồi vốn... Vị lãnh đạo này khẳng định đã phản đối đến cùng việc thực hiện đầu tư dự án nhưng sau đó vì nhiều lý do nên dự án vẫn được triển khai. Cũng theo vị lãnh đạo này, "khoản phí để được tham gia" hay còn gọi là "hoa hồng" lên tới 584 triệu USD là số tiền bất thường khi thực hiện dự án Junin 2.

Hội đồng Thành viên PVN vừa họp để xem xét đơn xin từ chức của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc tập đoàn. Trước khi về PVN, ông Sơn từng giữ chức Tổng Giám đốc PVEP từ năm 2009. Giai đoạn này, PVEP triển khai nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có dự án khai thác dầu nặng Junin 2.

Truy tố nguyên tổng giám đốc PVEP

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 3 bị can gồm: Đỗ Văn Khạnh (SN 1961, nguyên Tổng Giám đốc PVEP, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí), Nguyễn Tuấn Hùng (SN 1971, nguyên trưởng Ban Tài chính PVEP) và Vũ Thị Ngọc Lan (SN 1973, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVEP) về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Từ năm 2009-2014, thực hiện chỉ đạo của PVN về việc ưu tiên sử dụng các dịch vụ tài chính của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), PVEP đã giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Thăng Long. Đỗ Văn Khạnh đã phân công Vũ Thị Ngọc Lan phê duyệt các tờ trình của Ban Tài chính, ký các hợp đồng tiền gửi, gia hạn hợp đồng tiền gửi tại OceanBank. Nguyễn Tuấn Hùng trực tiếp đề xuất, ký tờ trình hợp đồng gửi tiền trình Vũ Thị Ngọc Lan phê duyệt, ký hợp đồng gửi tiền.

Thực hiện chủ trương của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc chi lãi ngoài tiền hợp đồng huy động vốn cho khách hàng, Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) đã chi tiền lãi ngoài hợp đồng cho Nguyễn Tuấn Hùng hơn 51,8 tỉ đồng. Nguyễn Tuấn Hùng đã nhận, quản lý và chi tiêu số tiền hơn 51,8 tỉ đồng; Đỗ Văn Khạnh đã nhận tiền chăm sóc khách hàng hơn 4 tỉ đồng và Vũ Thị Ngọc Lan đã nhận 200 triệu đồng.

Ng.Hưởng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo