Để thu hút khách, vào cuối tuần, phố đi bộ Bùi Viện cấm các loại phương tiện vào đây. Toàn bộ con đường được biến thành lối đi bộ cho người dân và du khách. Song, thực tế thì quán xá và hàng rong đã choán hết lối đi!
Khi "phố Tây" Bùi Viện được "lên đời" thành phố đi bộ, có một "cơ chế riêng" cho phép người dân kinh doanh dịch vụ, buôn bán trên một phần vỉa hè - trong phần kẻ vạch sơn vàng. Thực tế, nhiều người sẵn sàng dùng đủ mọi cách để lấn chiếm vỉa hè, thậm chí trưng dụng luôn cả lòng đường để bày bán, kinh doanh.
Đêm xuống, đường Bùi Viện gần như bị phong tỏa bởi bàn nhậu la liệt, hàng rong bủa vây. Sau 19 giờ, cuộc đua "xí phần" lòng đường trở nên căng thẳng. Chủ quán luôn bố trí người túc trực canh chừng để báo động mỗi khi Đội Quản lý trật tự đô thị (QLTTĐT) kiểm tra.
Đêm cuối tuần vừa qua, lúc 22 giờ, nhiều đoạn trên đường Bùi Viện chỉ còn 1 m để đi bộ. Du khách kiên nhẫn nhích từng bước, tránh bàn nhậu và xe hàng rong. Vài người cáu gắt đẩy người đi trước để thoát khỏi đám đông. Dưới lòng đường, nhiều người vẫn thản nhiên ăn uống, hít "bóng cười", phì phà khói shisha trong tiếng nhạc chát chúa.
Quán nhậu, hàng rong chiếm gần hết lòng đường Bùi Viện, quận 1, TP HCM
Từ góc đường Đề Thám - Bùi Viện, len lỏi gần 20 phút qua những đám đông chật như nêm, chúng tôi mới vào đến giữa phố đi bộ. Chúng tôi vừa ngồi vào một chiếc bàn bên đường chừng 10 phút, nhân viên quán đã cuống cuồng xin lỗi khách rồi nháo nhào bảo nhau: "Dẹp nhanh đi, trật tự (Đội QLTTĐT - PV) tới!". Ở những bàn đặt giữa đường, khách chủ động đứng hết lên như đã quen với cảnh này.
Phố đi bộ trở nên bát nháo hơn khi người bán hàng rong hớt hải đẩy những chiếc xe tự chế đậu la liệt vào các con hẻm. 10 phút trôi qua, chiếc xe bán tải của Đội QLTTĐT mới xuất hiện. Lúc này, đường Bùi Viện đã được dọn dẹp thông thoáng như chưa hề bị lấn chiếm. Chiếc xe tuần tra lướt qua và nhanh chóng mất dạng. Bàn ghế tiếp tục được bày ra và mọi chuyện đâu lại vào đấy…
Đường Bùi Viện là phố đi bộ thứ hai của TP HCM, sau phố Nguyễn Huệ (quận 1). Nếu như phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi để người dân TP vui chơi, thưởng thức nghệ thuật thì phố đi bộ Bùi Viện chủ yếu nhắm đến du khách.
Từng được kỳ vọng sẽ trở thành tuyến phố du ca, là nơi tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội, âm nhạc đường phố… nhưng thực tế, các chương trình nghệ thuật - linh hồn của phố đi bộ - chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân và du khách. Khi chúng tôi có mặt tại đường Bùi Viện lúc 22 giờ - thời điểm nơi đây bắt đầu tấp nập, náo nhiệt - cũng là lúc sân khấu gần giao lộ Đề Thám - Bùi Viện kết thúc đêm diễn.
Thiếu thốn chương trình nghệ thuật là điều kiện cho những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố tự phát, thiếu an toàn lên ngôi. Giữa dòng người đi bộ tấp nập, các nhóm thanh thiếu niên diễn trò ngậm xăng phun lửa làm nhiều người thót tim.
"Hằng đêm, hàng ngàn lượt du khách nước ngoài đã tìm đến phố đi bộ Bùi Viện. Thế nhưng, với thực trạng hiện nay, không ai dám chắc họ sẽ quay trở lại nơi này lần nữa!" - anh Nguyễn Tân Tạo, người dân sống trên đường Bùi Viện, băn khoăn.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa giao UBND quận 1 phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan bảo đảm công tác quản lý, tổ chức các hoạt động tại phố đi bộ Bùi Viện văn minh, lịch sự hơn; tăng cường công tác an ninh, cải thiện các hoạt động văn hóa trước khi tiếp tục phương án mở rộng phố đi bộ.
UBND TP HCM yêu cầu UBND quận 1 phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch đề xuất cơ chế, giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, để dần hình thành nét đặc trưng tại phố đi bộ; phối hợp với Công an TP, Sở Văn hóa - Thể thao kiên quyết xử lý việc kinh doanh quá giờ quy định, buôn bán dưới lòng đường, kinh doanh shisha, "bóng cười"... UBND quận 1 được sử dụng hình ảnh qua camera giám sát tại phố đi bộ để phối hợp xử lý các vi phạm theo quy định.
UBND TP HCM yêu cầu UBND quận 1 đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức, quản lý phố đi bộ Bùi Viện vào cuối tháng 11-2019 và báo cáo UBND TP.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-9
Bình luận (0)