Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, khẳng định NH không trì hoãn hay né tránh trách nhiệm trả lại tiền cho khách hàng nhưng phải đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Eximbank trả lời báo chí vào ngày 22-2 cũng nhìn nhận Ban Điều hành đã thiếu sâu sát trong việc quản trị rủi ro về tiền gửi trong vụ mất tiền trên. Bởi theo kết luận điều tra ban đầu của cơ quan công an, toàn bộ giấy ủy quyền mà ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM, dùng để rút tiền từ sổ tiết kiệm của bà Bình đều có chữ ký của bà. Ban đầu, các giấy tờ này được ký khống và để trống tên người được ủy quyền, tạo điều kiện cho ông Hưng điền tên người khác vào để thực hiện hành vi rút tiền, chiếm đoạt tiền của bà Bình.
Đáng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc cán bộ NH là lãnh đạo cấp chi nhánh, phòng giao dịch lợi dụng sự tin tưởng, tín nhiệm của khách hàng gửi tiền rồi chiếm đoạt.
Thực tế, quy định về tiền gửi của khách hàng tại NH không thiếu, thậm chí được cho là chặt chẽ và đầy đủ nhưng quá trình áp dụng còn lỏng lẻo, nhất là cách thức kiểm soát, giám sát hiện nay là trực tiếp từ chi nhánh, phòng giao dịch lên hội sở… Cách thức giám sát này trong một số trường hợp còn nể nang, ngại cấp trên hoặc lợi ích nhóm. Đồng thời, cách thức này cũng chưa được số hóa, nặng về giấy tờ. Chẳng hạn, vì quá tin tưởng vào ông Hưng nên bà Bình đã ký khống các giấy ủy quyền và dường như NH không kiểm soát được. Khi ký giấy ủy quyền phải đi kèm với các giao dịch thật tại NH, để tránh việc ký khống. Muốn làm điều này, trong hệ thống phải kiểm soát được, một tờ giấy ủy quyền ra khỏi NH phải gắn liền với hành vi giao dịch, rồi hành vi giao dịch đó có hợp pháp, hợp lệ hay không?
Một vấn đề khác, để rút được tiền ra khỏi NH không đơn giản, trên phiếu rút tiền phải có chữ ký của khách hàng hoặc người được ủy quyền, thủ quỹ, kiểm soát viên và người đại diện hợp pháp của chi nhánh. Nhưng trong trường hợp trên, ông Hưng đã đóng cả 4 vai trò này! Cần phải xem lại hệ thống giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ của NH, bởi quy trình đầy đủ nhưng không thực hiện đúng thì cũng không ổn. Đây là lúc các NH thương mại và cả NH Nhà nước nên rà soát, xem lại các quy trình, quy định liên quan đến tiền gửi.
Ngoài ra, dù là khách hàng VIP của NH nhưng việc giao dịch tại nhà hay tại phòng giao dịch, chi nhánh cũng cần được giám sát bằng camera, ghi âm, ghi hình… Ngay chính sách chăm sóc khách hàng VIP của các NH cũng cần xem xét lại. Vì cạnh tranh thu hút vốn, khuyến khích khách hàng đến gửi tiền, NH có thể lơ là việc kiểm soát rủi ro khi cho khách hàng VIP giao dịch tại nhà hoặc đồng ý chỉ một cán bộ có thể đến nhà khách hàng thực hiện các giao dịch tiền gửi.
Bình luận (0)