Chiều 9-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đã phản ánh thực trạng các bệnh nhân chữa bằng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua bằng tiền túi của mình theo đơn của bác sĩ điều trị. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu các nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tình trạng ĐB phản ánh là có, có nhiều nguyên nhân, trong đó do chính sách thanh toán của Bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội là không phù hợp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: Nguyễn Nam
Theo Phó Thủ tướng, hiện nay chúng ta thực hiện khám chữa bệnh bằng Bảo hiểm y tế thì mệnh giá của từng người có tăng lên trong những năm qua, con số làm tròn hiện nay là 1,1 triệu đồng/người/năm. So với các nước trong khu vực, con số này chưa bằng 1/3 so với Philippines, chưa bằng 1/4 so với Thái Lan. Trong khi giá thuốc thì chúng ta làm được nhiều thuốc nhưng hơn 90% nguyên liệu vẫn nhập từ nước ngoài, nên giá thuốc hiện nay rẻ hơn giá thuốc trong các nước trong Asean, nhưng cũng chỉ rẻ hơn khoảng 15%.
"Như vậy, Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán tất cả những loại thuốc mà chỉ thanh toán những loại thuốc thông thường, những thuốc rất đắt tiền, thuốc biệt dược…thì người bệnh phải bỏ tiền túi"- Phó Thủ tướng cho hay.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay mỗi năm Việt Nam chi khoảng 120.000 tỉ đồng tiền thuốc nhưng Bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 36-37%, tỉ lệ vẫn còn cao so với các nước trên thế giới.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này, Phó Thủ tướng cho rằng cần duy trì và tăng tỉ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế, hiện nay mới đạt 90,7%, trong khi mệnh giá trung bình cũng chỉ mới 1,1 triệu đồng. Vì vậy, cần phải tăng thu nhập người dân thì mới có thể tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Đồng thời ngân sách nhà nước phải có thu thì mới hỗ trợ được nhiều. Nên đây là "câu chuyện dài hơi, liên tục".
Theo Phó Thủ tướng, rất nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh đánh giá rằng do có tiêu cực, do có sự móc nối giữa bác sĩ điều trị với trình dược viên và nhà thuốc để "ăn chia" hoa hồng.
"Việc này trong ngành y tế nhiều năm chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt và có thể nói rằng có hiện tượng đó nhưng không phải là tất cả. Để khắc phục tình trạng này, cần chỉ có một cách là công khai minh bạch hết bằng công nghệ thông tin, vì có khoảng 20.000 loại thuốc, và dịch vụ, có hàng triệu lượt khám/năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không có tin học hóa"- Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Bình luận (0)