Ngày 20-9, tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.
Quang cảnh hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ nhất.
Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn như GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng.
Tuy nhiên, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra…
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết tuyến Quốc lộ 27 kết nối các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận (nhất là đoạn từ cầu K’Rông Nô đến ngã ba Liên Khương) xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do đó, ông Hiệp kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm ưu tiên đầu tư, nâng cấp đường Quốc lộ 27.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất Trung ương sớm xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động các nguồn lực cho vùng Tây nguyên phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông, ổn định dân di cư tự do, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế lâm nghiệp… để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển vùng.
Có thể làm chậm nhưng chắc, làm cái gì ra cái đó
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng hội nghị lần này sẽ làm với quyết tâm mới, cách tiếp cận mới, có trong tay Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 152 của Chính phủ và quyết tâm rất cao từ Chính phủ, bộ ngành và các địa phương.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.
"Cuộc họp hôm nay coi như là sự khởi đầu để bàn về cách tiếp cận mới, những nội dung cơ bản xây dựng kế hoạch, đặc biệt là lộ trình thực chất, có tính khả thi, có thể làm chậm nhưng chắc, làm cái gì ra cái đó" - Phó Thủ tướng khẳng định.
Phó Thủ tướng chia sẻ: Nói đến Tây Nguyên là không chỉ nói đến phát triển kinh tế, mà phải nói đến là sự bình yên và phát triển. Tây Nguyên còn là lá phổi, là nguồn nước cho một khu vực rất rộng lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng, có bề dày truyền thống và rất nhiều điều kiện, dư địa để phát triển. Thời gian qua, Trung ương đã quan tâm đầu tư khá nhiều cho Tây Nguyên, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc với hệ thống trục ngang để cùng thực hiện với trục dọc Bắc - Nam.
Phó Thủ tướng cho biết Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên sẽ là tiếng nói chung, vang hơn, to hơn và khẳng định hơn vai trò của vùng. Phó Thủ tướng nói vui "Xét về tính chất và số lượng, vùng Tây Nguyên ít tỉnh nhất nhưng "nhỏ mà có võ".
"Hội đồng điều phối vùng cũng sẽ giữ vai trò phân xử những vướng mắc nếu có giữa các tỉnh. Tôi tin vùng không có vướng mắc gì lớn, vì lợi ích của các địa phương mà chưa thống nhất được thì Hội đồng vùng sẽ thực hiện việc này" - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, trước mắt các tỉnh vùng Tây Nguyên cần tập trung vào 3 việc, đó là câu chuyện kết nối giao thông nội bộ 5 tỉnh và các vùng phụ cận, phối hợp trong thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới của từng địa phương.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý các địa phương cần phải nghĩ đến cạnh tranh, thi đua với nhau, điều này hoàn toàn không có mâu thuẫn nào đối với liên kết vùng. Nếu có việc gì chưa đồng thuận được thì các địa phương cố gắng chia sẻ, có Hội đồng vùng ở giữa với tinh thần lợi ích của khu vực lớn hơn.
Bình luận (0)