Gần 40 năm tồn tại, phòng khám này không hề thu một khoản phí của bệnh nhân, từ thăm khám đến bốc thuốc đều hoàn toàn miễn phí. Gọi là phòng khám nhưng thực ra chỉ là một căn phòng nhỏ 50m2 nằm bên trái chánh điện của chùa.
Người lập ra phòng khám này là hòa thượng trụ trì Thích Thanh Sơn, ngoài là tu sĩ, thầy còn là lương y chuyên khoa trật đả, bấm huyệt.
Hầu hết người đến đây là những bị thương do lao động mang vác, vận chuyển nặng nhọc, không có điều kiện về kinh tế và thời gian để điều trị lâu dài.
Ở phòng khám này, các thầy sử dụng những loại thuốc tự nghiên cứu như rau trai, nghệ… pha chế theo công thức y học dân tộc cổ truyền, kết hợp với phương pháp nắn giúp bệnh nhân hồi phục khi bị chứng bong gân, trật khớp, gãy xương ở những vị trí không quá nghiêm trọng.
Tất cả các lương y làm việc trong phòng khám đều được cấp bằng chữa trị y học cổ truyền, đồng thời phòng khám đã được Sở Y tế TP HCM công nhận là một địa điểm khám chữa bệnh chính thức.
Lượng bệnh nhân tìm đến phòng khám trung bình mỗi ngày tầm 60 -70 người. Tiếng lành đồn xa, thế nên lượng bệnh nhân đổ về mỗi ngày một đông hơn. Không chỉ trong khu vực Sài Gòn mà những người ở các tỉnh lân cận cũng về đây khám và chữa bệnh.
Ngoài các sư thầy trực tiếp khám chữa bệnh, còn có rất nhiều các tình nguyện viên là Phật tử thay phiên nhau phụ giúp công việc, giúp đỡ các bệnh nhân, không ít trong số đó là các bạn sinh viên tranh thủ sau giờ học đến đây phụ giúp sắc thuốc.
Giữa Sài Gòn đông đúc và đắc đỏ, chi phí điều trị bệnh với người nghèo là vấn đề nan giải. Chính vì thế, những câu chuyện về làm việc thiện không màng đến vật chất, đề cao lòng nhân ái luôn là điều đáng trân quý.
Bình luận (0)