xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phòng ngừa trục lợi chính sách

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại đề xuất sửa quy định hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, bởi điều này có thể bị lợi dụng chính sách để trục lợi

Sáng 6-1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Lo ngại doanh nghiệp gom đất

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm, cho ý kiến là hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại (sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 điều 75 Luật Đầu tư số 65/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 23 Luật Nhà ở).

Theo đó, hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trừ trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật): Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết việc sửa đổi luật nhằm giải quyết cho các dự án đang bị "tắc". Dẫn số liệu tổng hợp từ Hà Nội, TP HCM và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bộ trưởng Long thông tin có hàng trăm dự án đang vướng, trong đó Hà Nội trên 80 dự án, TP HCM 130 dự án.

Dù vậy, một số ĐB cho rằng đề xuất sửa đổi nội dung này là chưa hợp lý. ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, bày tỏ lo ngại việc DN được phép chuyển đất một phần hoặc toàn bộ không phải đất ở sang đất ở mà không qua đấu giá thì dẫn tới tình trạng DN đi thu gom đất nông nghiệp, sau đó xây nhà ở thương mại. Hệ quả là khi DN đã gom được đất nông nghiệp đủ lớn thì có thể tác động tới việc xây dựng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Mặt khác, nếu DN được chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở mà không qua đấu giá thì có nguy cơ gây thất thoát ngân sách.

Trên cơ sở đó, ĐB Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thấu đáo, kỹ hơn nội dung sửa đổi này.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhận xét khái niệm và nội hàm của quyền sử dụng "đất khác" là chưa rõ ràng, cần làm rõ vì hiện trạng sử dụng đất trên cả nước rất khác nhau, phức tạp. Nếu đưa vào mà không quy định chặt chẽ thì dễ phát sinh lợi ích nhóm.

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, cũng đặt vấn đề về trục lợi chính sách, lợi ích nhóm. ĐB Giang phân tích: Việc quy định thêm quyền sử dụng "đất khác" không phải đất ở thì sẽ mở rộng diện giao đất cho DN, nhà đầu tư không thông qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. "Các nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất hợp pháp không phải đất ở, kể cả là đất nông nghiệp nhưng nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch cũng sẽ được đầu tư vào làm nhà ở" - ĐB Giang nêu quan điểm.

Do vậy, để tháo gỡ cho nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm tính ổn định, hiệu quả của quy hoạch, ĐB đề nghị sửa đổi điểm c, khoản 1, điều 75 Luật Đầu tư theo hướng: Trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải đất ở thì diện tích đất này phải nằm trong (thay vì "phù hợp") quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai để chuyển đổi sang mục đích đất ở.

Với đề xuất này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay nhưng đồng thời phải bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phòng ngừa trục lợi chính sách - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang băn khoăn về đề xuất cho phép doanh nghiệp sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mạiẢnh: NHƯ Ý

Suất đầu tư đường 200 tỉ đồng/km cao hay thấp?

Chiều cùng ngày, QH thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Theo phương án Chính phủ trình, đầu tư thêm 729 km đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng mức khoảng 146.990 tỉ đồng. Bình quân suất đầu tư hơn 175 tỉ đồng/km, chưa gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn TP HCM) đề nghị phải tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân. Trong đó, giao công tác giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương. Chủ tịch nước lưu ý phải chống thất thoát lãng phí trong quá trình thực hiện dự án. Qua đấu thầu phải tìm được những đơn vị thi công đủ năng lực thi công, năng lực tài chính. Phải chấm dứt tình trạng bán thầu cho các nhà thầu nhỏ khác để công trình bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Chủ tịch nước cũng đề nghị làm tốt hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong quá trình triển khai dự án, tuyệt đối không được buông lỏng. Đặc biệt muốn triển khai nhanh cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai. Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phải chịu trách nhiệm trước QH về tiến độ, chất lượng công trình.

ĐB Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết có gần 15.000 hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án nhưng Chính phủ chưa nêu rõ phương án di dân, tái định cư. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung vào tờ trình, có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư hợp lý.

ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) dẫn chứng về tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang khi đưa vào khai thác không có đường gom, đường dân sinh, cầu dân sinh gây ảnh hưởng đến đi lại của người dân. ĐB Lịch đề nghị Bộ GTVT cần tính toán tổng thể trong dự án về các hạng mục đường gom, đường dân sinh, cầu dân sinh để tránh phát sinh chi phí đầu tư thêm các hạng mục này khi tuyến cao tốc đã hoàn thành.

Về đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin: Suất đầu tư bình quân đường cao tốc hiện nay khoảng 200 tỉ đồng/km. Tùy khu vực, suất đầu tư cụ thể sẽ khác nhau. Khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT sẽ tính toán suất đầu tư sát hơn, chính xác hơn.

Băn khoăn về suất đầu tư này, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi QH, trong đó tính toán suất đầu tư bình quân đường cao tốc chỉ 152,9 tỉ đồng/km. Theo ĐB An, cần xem lại cách tính toán suất đầu tư theo đề xuất của Chính phủ, nếu quá lớn thì phải làm rõ. "Bộ GTVT cần xem xét nghiên cứu kỹ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước để dự án vừa an toàn về mặt giao thông, vừa bảo đảm hiệu quả về kinh tế" - ĐB An kiến nghị.

Về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng cần tính toán kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính hiệu quả. 

Hôm nay (7-1), QH dành cả ngày để thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đề xuất tăng thuế với rượu bia và thuốc lá lên 85%

Thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ĐB Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đề xuất cần tăng mức thuế ngay với hai mặt hàng là thuốc lá và đồ uống có cồn lên mức 85%.

Đối với thuốc lá, theo ĐB Anh, Việt Nam đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 75%. Hiện mỗi năm có khoảng 15 triệu người Việt hút thuốc, chi 31.000 tỉ đồng cho sản phẩm này. Ước tính chi phí y tế liên quan tới thuốc lá là 24.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lên 85% hoặc đánh thuế trực tiếp lên 5.000 đồng/bao như một số ĐBQH đề xuất thì có thể thu lại vài chục ngàn tỉ đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo