Tập trung nhân lực, thiết bị
Cùng ngày, các chuyên gia y tế tiếp tục họp trực tuyến với các bệnh viện (BV) trong toàn quốc về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Đây là cuộc hội chẩn trực tuyến quốc gia lần thứ 5 kể từ ngày 24-7, sau khi Việt Nam ghi nhận ca mắc trong cộng đồng trong đợt dịch mới.
Theo Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, hiện có 6 bệnh nhân trong tình trạng nặng là 416, 418, 433, 436, 437, 438. Trong số này, 2 ca 416 và 437 đã phải can thiệp ECMO (tim, phổi ngoài cơ thể). Ở giai đoạn này, bệnh nhân Covid-19 nặng chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền hoặc bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Đà Nẵng. Hiện một số bệnh nhân được chuyển đến BV Trung ương Huế, giảm bớt gánh nặng cho Đà Nẵng.
Về tình hình đón bệnh nhân từ Guinea Xích đạo, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết hiện có 125 bệnh nhân dương tính, trong đó có 6 bệnh nhân có tổn thương phổi, 3/6 bệnh nhân đồng nhiễm sốt rét và ký sinh trùng cần theo dõi sát.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đề nghị các BV tuyệt đối tuân thủ quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, điều trị, chống nhiễm khuẩn... Phải có kế hoạch dự phòng tình huống đông bệnh nhân, thực hiện phân tuyến điều trị, giảm thiểu tử vong, hỗ trợ chuyên môn cho Đà Nẵng điều trị bệnh nhân nặng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, ngành y tế đang tập trung cả về nhân lực và trang thiết bị để hỗ trợ Đà Nẵng cũng như các địa phương có dịch, từ kiểm soát dịch bệnh cho đến điều trị bệnh nhân. Hiện ngành y tế vẫn kiểm soát được dịch bệnh.
Bộ Y tế cũng cho biết hệ thống y tế vẫn đủ năng lực thu dung cách ly và điều trị. Hiện ngành có khoảng 7.000 máy thở. Các máy ECMO vẫn đủ để điều trị trong giai đoạn hiện tại. Việt Nam có 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng. Hầu hết bác sĩ được đào tạo đa khoa, có thể huy động cho phòng dịch khi cần.
Bộ Y tế đã tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng, phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt đã cử đến Đà Nẵng từ ngày 25-7. Toàn bộ lực lượng này sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương. Bộ Y tế còn huy động hàng trăm sinh viên của Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Trường ĐH Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng chống dịch tại Đà Nẵng; điều tới Đà Nẵng 10 máy thở và hỗ trợ thêm khẩu trang N95 cho các BV trên địa bàn TP Đà Nẵng và BV Trung ương Huế.
Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng phân luồng tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong dịch Covid-19Ảnh: NGỌC HÙNG
Tăng tốc truy nguồn lây
Hiện TP Đà Nẵng đã có tổng cộng 35 ca mắc Covid-19 đang điều trị ở các BV, đã xét nghiệm trên 4.519 mẫu, trong đó có 35 mẫu dương tính.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường cán bộ, phương tiện, vật tư phục vụ xét nghiệm trên diện rộng; đồng thời, bằng mọi cách tăng tốc truy vết nguồn lây, phát hiện nhanh nhất các ca nhiễm trong cộng đồng, cách ly kịp thời các trường hợp có nguy cơ.
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký quyết định về việc cách ly xã hội tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), từ 0 giờ ngày 31-7 đến 0 giờ ngày 14-8. Ông Tân cũng ban hành quyết định tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 tại huyện Đại Lộc và thị xã Điện Bàn, nơi có các ca mắc Covid-19, từ 0 giờ ngày 31-7 đến 0 giờ ngày 14-8; tạm dừng hoạt động bãi tắm công cộng tại thị xã Điện Bàn...
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi tỉnh này có 5 ca nhiễm mới, ngành y tế đã tiếp tục khoanh vùng cách ly, phun thuốc khử trùng lần 2 toàn khu vực nhà, khu vực cách ly của các ca bệnh. Điều tra tất cả 63 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, cử đoàn giám sát tiếp tục điều tra truy vết tất cả các trường hợp F1, F2; xác định lịch trình, cách ly, lấy mẫu đúng quy định… Tại TP Hội An, ngoài 4 ca bệnh đã được công bố, còn có một ca nghi nhiễm khác. Từ tối 29-7, ngành y tế và chính quyền TP Hội An đã phong tỏa khối phố An Hội (phường Minh An, TP Hội An). UBND TP Hội An kêu gọi nhân dân nghiêm túc chấp hành những quy định. Nghiêm cấm ra khỏi nhà và đi khỏi địa bàn phong tỏa tại khối phố.
Theo Sở Y tế TP HCM, đến 17 giờ ngày 30-7, TP này tổng cộng có 148 người có triệu chứng sốt hoặc viêm hô hấp và có tiền sử đến Đà Nẵng (từ ngày 1-7) đã được xét nghiệm và cách ly theo dõi tại các khu cách ly của các BV. Không có trường hợp nào có triệu chứng nặng, 83 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính và 65 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho biết đã có 5.930 người rời Đà Nẵng từ ngày 1-7 đến khai báo y tế, 1.770 người được lấy mẫu xét nghiệm, 177 mẫu có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm. TP tiếp tục thực hiện tiếp nhận khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện số người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung là 1.443 người, còn cách ly tại nhà/nơi lưu trú là 593 người.
UBND TP HCM có công văn khẩn, chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện, phường/xã/thị trấn tạm dừng tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ... Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện...).
UBND TP HCM cũng đề nghị các ngành, các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan lơ là, không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Chủ tịch UBND quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn; khẩn trương rà soát phương án, kế hoạch phòng chống dịch của địa phương mình, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới... Thời gian áp dụng các biện pháp nêu trên là từ 0 giờ ngày 31-7 cho đến khi có thông báo mới.
Liên quan 2 bệnh nhân Covid-19 từng vào BV Chợ Rẫy, BV này đã lấy mẫu xét nghiệm và cách ly ngay 16 nhân viên y tế tiếp xúc gần. Hiện BV Chợ Rẫy đã xét nghiệm cho 208 nhân viên y tế, kết quả xét nghiệm đối với 68 nhân viên đầu tiên đều âm tính.
Ngành y tế Đắk Lắk đã tổ chức chuyển bệnh nhân N. (21 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) và những người tiếp xúc gần từ BV Đa khoa vùng Tây Nguyên tới BV Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk. Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, việc làm này nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng, giảm lây lan, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân khi đến BV Đa khoa vùng Tây Nguyên khám bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết 4 đối tượng nhập cảnh trái phép vào Phú Quốc để trốn cách ly bị lực lượng biên phòng phát hiện ngày 29-7 đều âm tính với Covid-19. Ngoài ra, bệnh nhân 409 (quốc tịch Philippines) đang điều trị tại trung tâm này cũng có kết quả âm tính lần 1.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm (phải) tặng quà cho Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phòng chống dịch Covid-19.Ảnh: CHIẾN KHU
Tặng quà cho lực lượng biên phòng ở An Giang
Ngày 30-7, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và trao tặng 4.000 khẩu trang y tế kháng khuẩn, 15 thùng nước rửa tay sát khuẩn, 591 tuýp vitamin C, 300 bộ áo mưa, 830 thẻ điện thoại Viettel với tổng trị giá khoảng 150 triệu đồng cho cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang.
H.Tuấn - T.Nốt
Xét nghiệm Covid-19 được bảo hiểm thanh toán
Ngày 30-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Công văn số 4051/BYT-KHTC gửi BHXH Việt Nam về việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 cho những người có thẻ BHYT. Các trường hợp thuộc diện được thanh toán cụ thể là: Người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và người nhiễm Covid-19 đang khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; các trường hợp được cơ sở y tế chỉ định thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế về chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2. Cụ thể, với dịch vụ số 1735, thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp Real-time PCR có mức giá là 734.000 đồng/mẫu xét nghiệm. Còn với dịch vụ số 1736, thực hiện xét nghiệm vi khuẩn, virus, vi nấm, ký sinh trùng bằng phương pháp test nhanh mức giá thanh toán sẽ là 238.000 đồng/mẫu xét nghiệm.
Bình luận (0)