Ngày 21-9, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan 79 công trình xây dựng nhà trái phép trên đất phải dừng xây dựng; Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh Kiên Giang xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mới đây, chính quyền địa phương và Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang đã lập biên bản 79 căn nhà xây theo kiểu biệt thự trên đất do UBND xã Dương Tơ quản lý tại ấp Đường Bào. Những căn nhà này nằm trong khu đất rộng gần 190.000 m2, trị giá hàng tỉ đồng/căn. Trước đó, cuối tháng 12-2020, cũng tại khu đất này, cơ quan chức năng đã tháo dỡ 12 căn biệt thự mini xây dựng trái phép và "dường như" vô chủ.
Ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, cho biết: "Đây là đất Nhà nước quản lý, do UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất rừng phòng hộ giao khoán và giao cho UBND xã Dương Tơ quản lý. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, giá đất trên đảo tăng gấp nhiều lần, nên từ năm 2018 đến nay tại khu vực này có một số tổ chức, cá nhân đến bao chiếm, xây dựng trái phép. Sau khi địa phương tháo dỡ 12 căn, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, họ xây thêm nhiều biệt thự, nhà ở trái phép. Lúc kiểm tra vào ngày 19-9, tổng cộng 79 căn nhưng chỉ 1 căn có chủ, hầu hết xây kiểu biệt thự sân vườn, mỗi căn giá trị hàng tỉ đồng. UBND xã Dương Tơ đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất trong khu vực vi phạm sớm cung cấp hồ sơ, giấy tờ mua bán, chuyển nhượng đất, chậm nhất là ngày 20-9, để xử lý" - ông Nhân cho biết.
Một trong những căn nhà xây dựng trái phép tại ấp Đường Bào bị cơ quan chức năng phá hủy năm 2020
Một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phú Quốc cho biết hiện cơ quan chức năng đã phá đường bê tông dẫn vào các biệt thự này nhằm cắt đường vận chuyển vật liệu. Cơ quan chức năng và địa phương cũng ráo riết truy tìm nguồn gốc và chủ nhân của 79 căn biệt thự để xử lý.
Dân địa phương cho biết trong cơn sốt đất tại Phú Quốc khoảng 4 năm trước, nhiều người từ các tỉnh, thành khác về ấp Đường Bào ngang nhiên san ủi cây rừng, làm đường bê-tông, phân lô cất nhà trên đất Nhà nước quản lý. Riêng chủ của những căn biệt thự nói trên là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tại địa phương. Người này bỏ ra số tiền lớn để xây dựng nhằm bao chiếm đất công chờ thời gian tìm cách hợp thức hóa.
Đến năm 2019, có trên 10 căn kiểu biệt thự đã hình thành trên khu đất này nhưng trong nhà không có người ở. Chính quyền nhiều lần kêu gọi các cá nhân, tổ chức xây nhà trái phép để làm việc, song không ai liên hệ. Cuối năm 2020, TP Phú Quốc cho lực lượng tháo dỡ, phá hủy các công trình vi phạm này. Khi lực lượng chức năng dùng phương tiện cơ giới san phẳng các công trình vi phạm cũng không có ai đứng ra nhận hay ngăn cản.
Bình luận (0)