Chiều nay (7-10), 950 người dân Phú Yên đang ở tỉnh Bình Dương sẽ được lên 30 xe giường nằm do Công ty Vận tải hành khách Phương Trang hỗ trợ để về quê. Đây là đợt cuối cùng khép lại hành trình đón người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam có dịch về quê mà tỉnh Phú Yên triển khai.
Gần 19.000 người được đón về
Giữa tháng 7-2021, trong lúc TP HCM bùng phát dịch Covid-19, cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận người dân từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê hương, tỉnh Phú Yên bắt đầu lên kế hoạch hỗ trợ đón công dân Phú Yên trở về. Chủ trương này gặp không ít trở ngại bởi thời điểm bấy giờ, tỉnh Phú Yên cũng đang căng mình chống dịch với hơn 1.000 ca mắc Covid-19. Trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Phú Yên cũng không ít ý kiến lo ngại về việc khu cách ly tập trung sẽ quá tải, tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh hơn khi đón người dân trở về.
Trong một cuộc họp như thế, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã nói thẳng: "Bà con chúng ta đang gặp khó khăn trăm bề tại TP HCM và các tỉnh phía Nam. Chúng ta không đón bà con về là chúng ta không làm tròn trách nhiệm. Chúng ta để bà con tự phát đi về thì khả năng lây lan dịch bệnh còn lớn gấp trăm lần so với việc đón bà con về một cách có tổ chức".
Đưa người dân từ TP HCM về quê Phú Yên Ảnh: NGỌC THỊNH
Kế hoạch đón người dân về bắt đầu được triển khai cụ thể. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Tỉnh Đoàn, Hội đồng hương Phú Yên tại TP HCM được giao trách nhiệm phối hợp các cơ quan chức năng TP HCM triển khai từng phần việc, bảo đảm đưa đón người dân trở về an toàn.
Chuyến xe đầu tiên đón người dân Phú Yên từ TP HCM khởi hành ngày 25-7. Cách đưa đón, sắp xếp, quản lý cứ hoàn thiện dần. Đến nay, hành trình đón người dân Phú Yên tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đã khép lại một cách an toàn, nghĩa tình với 30 đợt, có gần 17.000 người dân được trở về quê.
Vừa từ chuyến xe thứ 12 xuống sân vận động tỉnh Phú Yên với đôi chân nặng nề vì thương tật, ông Trương Tằng (73 tuổi, ngụ TP Tuy Hòa) không giấu nổi niềm vui. "Mừng lắm chứ con. Về nhà, gặp được con cháu, anh em. Mặc dù có đói chăng nữa, vẫn là đầy đủ, ấm cúng trong bữa ăn của gia đình" - ông Tằng nói. Anh Lê Nguyễn Đăng Quang, Phó trưởng Ban Điều phối tại Bến xe Miền Đông thuộc Hội đồng hương Phú Yên - cũng xúc động: "Khi mỗi chuyến xe vừa lăn bánh thì cảm xúc của tôi lại vui vì đã hỗ trợ được phần nào để bà con mình về quê".
Nghĩa tình và an toàn
Giữa tháng 8-2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, TP HCM và nhiều tỉnh, thành siết chặt việc thực hiện quy định "ai ở đâu ở yên đó" theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên vẫn quyết tâm duy trì hỗ trợ người dân trở về. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động lúc đó, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, khẳng định: "Đưa người dân về quê là việc hết sức cần thiết. Việc này có 2 ý nghĩa. Thứ nhất, giảm tải về y tế cho TP HCM trong bối cảnh TP này gồng mình chống dịch. Thứ hai, cũng là trách nhiệm của lãnh đạo địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải thực hiện việc này trên tinh thần hết sức an toàn cho cả TP HCM và tỉnh Phú Yên, không để dịch bệnh lây lan".
Quy trình đón người dân về được thực hiện chặt chẽ trong từng khâu để bảo đảm an toàn. Sau khi công bố danh sách, người dân được đón về sẽ làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên để có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 mới được ra khỏi nơi ở để đến điểm đón. Lên xe, sau khi được cấp phát bánh và nước uống, đoàn được CSGT dẫn đường chạy xuyên đêm, chỉ dừng đỗ một lần ở nơi đồng trống để người dân đi vệ sinh rồi được đưa về sân vận động Phú Yên. Tại đây, người dân sẽ được xét nghiệm PCR miễn phí rồi trở lại xe, để đưa về các khu cách ly tập trung - trưng dụng các trường học - tại các huyện, thị để cách ly y tế 7 ngày. Dù quy định tiền ăn mỗi ngày 80.000 đồng do người dân chịu nhưng các bếp ăn từ thiện ở địa phương đã hỗ trợ việc này nên người dân không phải tốn đồng nào. Sau thời gian cách ly tập trung, nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người dân được đưa về cách ly tại nhà. Quy trình trông đơn giản nhưng thấm đẫm nghĩa tình và tuyệt đối an toàn. Cho đến lúc này, dù đợt nào cũng có dăm ba ca dương tính với SARS-CoV-2 nhưng đều được phát hiện trong thời gian cách ly tập trung và được đưa đi điều trị. Chưa có ca nào lây lan ra cộng đồng.
Cùng đi trong một đoàn xe như thế, doanh nhân Nguyễn Xuân Châu cảm xúc: "Mình cảm nhận được hơi ấm tình người quê hương ruột thịt trên mỗi chuyến xe chở nặng nghĩa tình trên hành trình đưa bà con trở về mái nhà thân thương, về với tình làng nghĩa xóm". Còn ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nói: "Tôi và nhiều người Phú Yên vô cùng trân trọng, cảm phục những nghĩa cử cao đẹp của lãnh đạo Phú Yên, Hội đồng hương Phú Yên tại TP HCM và nhà xe Phương Trang trong lúc khó khăn đã đặt tình người đúng chỗ. Nếu không chủ động đưa đón, người dân tự phát trở về thì tình hình đại dịch có thể phức tạp hơn nhiều".
Lo một hành trình mới
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết đã đến lúc tỉnh này lo về một hành trình mới là đào tạo, tìm công ăn việc làm cho người dân được đưa về quê. "Chúng tôi đã chuẩn bị các phương án để mở rộng các khu công nghiệp, nhà xưởng thu hút lao động phổ thông, để những người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về có được việc làm ổn định trên quê hương mình. Chúng tôi cũng nghĩ đến việc đào tạo nghề cho họ, để nếu họ có quay lại TP HCM và các tỉnh phía Nam khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ quay lại với tâm thế mới, với sự tự tin về tay nghề của mình" - ông Thế nói.
Bình luận (0)