Tại hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 diễn ra chiều 24-6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về hoạt động kinh doanh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Hội nghị trực tuyến được tổ chức trong bối cảnh đất nước ta đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đồng thời với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, chuyển đổi số quốc gia... cần phải được nghiêm túc xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Từ đó, các cơ quan hành chính nhà nước kịp thời nhìn nhận lại kết quả thực hiện, nhanh chóng có những thay đổi bảo đảm phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.
Đăng ký thủ tục kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Kết quả chỉ số PAR INDEX và chỉ số SIPAS cho thấy công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, không chỉ trong năm 2020 mà cả trong suốt thời gian qua. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai có hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2020, đồng thời biểu dương các bộ, địa phương đã đạt kết quả cao ở những chỉ số đã công bố như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Năm 2021 với phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển", Chính phủ tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính đã đề ra trong năm và sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 sau khi được ban hành.
Trên cơ sở kết quả chỉ số PAR INDEX, chỉ số SIPAS năm 2020, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới, đột phá, phù hợp để cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Người đứng đầu trực tiếp chịu trách nhiệm với kết quả cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu các giải pháp, triển khai thực hiện kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Báo cáo số 334/BC-MTTW-BTT ngày 17/5/2021 về kết quả giám sát đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020; tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước dẫn đầu về cải cách
Theo kết quả công bố tại hội nghị, năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp tiếp tục là 3 đơn vị đạt kết quả chỉ số PAR INDEX trên 90%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số PAR INDEX năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả chỉ số PAR INDEX thấp nhất với giá trị 83,24%.
Về chỉ số SIPAS, có 5,13% người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để thực hiện dịch vụ công. Việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần xảy ra tại 63/63 tỉnh. Có 1,23% người dân, tổ chức bị phiền hà, sách nhiễu; 0,59% người dân, tổ chức phải nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí - hay còn gọi là tiền "bôi trơn".
Bình luận (0)