Liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác về nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự; nghiên cứu đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh các vị trí quy hoạch cảng hàng không đề xuất cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời.
Theo Bộ GTVT, sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở TP Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), hạ tầng chính bao gồm 2 đường cất hạ cánh (1 đường cất hạ cánh chính kết cấu bằng bê-tông xi-măng và 1 đường cất hạ cánh phụ bằng đất), kích thước 3.050 m x 45 m; 3 sân đỗ máy bay chính. Diện tích đất sân bay khoảng 2.187 ha, tương đối rộng để bảo đảm triển khai các công trình hàng không.
Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực sân bay Thành Sơn. Ảnh: Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận
Các công trình khu bay được xây dựng từ những năm 1960 đến nay đã xuống cấp nên cần thực hiện khảo sát, tính toán phương án cải tạo, nâng cấp kết cấu hệ thống sân đường khu bay, đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát (radar, đèn đêm, đài không lưu...); đầu tư đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay ở khu vực phía Đông, Đông-Nam.
Ngoài các công trình hàng không dân dụng theo phương án đề xuất cần thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay, đường giao thông kết nối tới cổng số 1 ở phía Nam của sân bay. Ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư khoảng 1.500-2.000 tỉ đồng.
Đối với sân bay Biên Hòa, đây là sân bay quân sự cấp 1, với hạ tầng chính bao gồm 2 đường cất hạ cánh, kết cấu bằng bê-tông xi-măng, kích thước 3.050 mx45 m. Diện tích đất sân bay khoảng 967 ha, có khả năng bố trí khoảng 50 ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.
Thực tế, hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ) được xây dựng từ lâu (giai đoạn những năm 1960), hiện đã xuống cấp nên cần khảo sát, tính toán để đánh giá việc cải tạo, nâng cấp bảo đảm khai thác an toàn cho máy bay hàng không dân dụng. Riêng sân đỗ máy bay sẽ phải tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng.
Để có thể khai thác hàng không dân dụng cần khảo sát, tính toán phương án cải tạo, nâng cấp kết cấu hệ thống sân đường khu bay, đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát và hạ tầng đồng bộ (nhà ga, cung cấp và bảo trì điện, nước, tập kết trang thiết bị mặt đất, khẩn nguy cứu hỏa...); cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối.
Hiện nay các dự án đầu tư, mở rộng 2 Cảng hàng không Long Thành và Tân Sơn Nhất đang được triển khai theo quy hoạch. Trường hợp khai thác hàng không dân dụng tại sân bay Biên Hòa dẫn tới làm giảm hiệu quả khai thác (do phải chia sẻ vùng trời với Biên Hòa) và hiệu quả đầu tư các dự án đang triển khai; đặc biệt là hoạt động của Tân Sơn Nhất. Vì vậy việc sân bay Biên Hòa khai thác dân dụng cần phải nghiên cứu với quy mô phù hợp để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, đồng thời đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng bộ giữa cụm 3 Cảng hàng không là Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Long Thành.
Theo ý kiến của Bộ Quốc phòng, sân bay Biên Hòa và Thành Sơn đủ điều kiện khai thác lưỡng dụng.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Tổ công tác xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa 2 sân bay này vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn đến 2030.
Về hình thức đầu tư sân bay Thành Sơn và Biên Hòa, Bộ GTVT kiến nghị giao UBND tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai tổ chức lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao là cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (TP Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu.
Trong văn bản gần đây nhất gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất bổ sung quy hoạch 2 cảng hàng không Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận), Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khó xây dựng sân bay tại Hà Giang, Tuyên Quang
Kết quả đánh giá sơ bộ của 10 địa phương kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không (Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh) cho thấy chỉ có 2 vị trí quy hoạch cảng hàng không không khả thi bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay.
Cụ thể, tại Hà Giang, vị trí quy hoạch cảng hàng không đề xuất tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, vùng trời và phương thức bay cũng không thuận lợi nên việc quy hoạch cảng hàng không là khó khả thi; có thể nghiên cứu vị trí tại xã Đồng Tâm, cách xã Tân Quang khoảng 2 km về phía Đông Nam, cách TP Hà Giang khoảng 40 km theo hướng Bắc-Đông Bắc.
Với tỉnh Tuyên Quang, vị trí đề xuất quy hoạch cảng hàng không tại xã Năng Khả, huyện Na Hang không khả thi vì điều kiện địa hình nhiều núi cao, không xây dựng được phương thức bay; có thể cân nhắc nghiên cứu vị trí khác tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, cách TP Tuyên Quang 20 km về phía Tây Bắc.
Có 8/10 vị trí có khả năng bố trí đường cất hạ cánh, thiết kế phương thức bay nhưng các vị trí đề xuất cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời.
Theo đó, với sân bay Mộc Châu (Sơn La) có thể thiết lập được sân bay, tuy nhiên vị trí khu đất hiện tại trong khu vực rừng quốc gia Mộc Châu, điều kiện thời tiết không thuận lợi với số liệu thống kê ban đầu là khoảng 5 tháng có sương mù.
Sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Tương lai Cảng hàng không Sa Pa hoạt động, cần thiết lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa 2 sân bay.
Quy hoạch cảng hàng không tại xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá vị trí nghiên cứu khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh. Trường hợp hình thành cảng hàng không, Bộ GTVT khuyến nghị cần tính toán giải quyết xung đột giữa hoạt động bay của Cảng hàng không Hà Tĩnh với hoạt động bay của Cảng hàng không Vinh và Đồng Hới.
Quy hoạch cảng hàng không ở thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có vị trí nghiên cứu khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh. Trường hợp hình thành cảng hàng không, Bộ GTVT cho rằng cần tính toán giải quyết xung đột giữa hoạt động bay của Cảng hàng không Măng Đen và Pleiku.
Với vị trí nghiên cứu quy hoạch cảng hàng không ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh bằng thiết bị. Trường hợp hình thành cảng hàng không sẽ chồng lấn vào vùng trời, gây ảnh hưởng đến hoạt động bay tại Cảng hàng không Chu Lai khi khai thác đồng thời hai cảng hàng không.
Về quy hoạch cảng hàng không tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, vị trí nghiên cứu khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh. Trường hợp hình thành Cảng hàng không Vân Phong cần phối hợp chặt chẽ để điều hành hoạt động bay giữa các Cảng hàng không Cam Ranh, Tuy Hòa, Vân Phong.
Tại tỉnh Đắk Nông, kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, vị trí xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong nghiên cứu khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh; vùng trời và luồng hoạt động bay cơ bản không ảnh hưởng đến Cảng hàng không Liên Khương.
Với tỉnh Tây Ninh, quy hoạch cảng hàng không ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu có vị trí nghiên cứu khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh. Trường hợp hình thành cảng hàng không phải phối hợp chặt chẽ để điều hành hoạt động bay với sân bay Biên Hòa và Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Bình luận (0)