Sáng 10-11, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), cho biết trên cung đường đèo Mã Pì Lèng đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông khiến 1 người đàn ông mang quốc tịch Tây Ban Nha tử vong.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 10 giờ sáng 9-11, một phượt thủ quốc tịch Tây Ban Nha (SN 1977) điều khiển xe máy do chạy với tốc độ nhanh và không quen địa hình đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã mất lái lao xuống vực. Hậu quả khiến người đàn ông này cùng xe máy rơi xuống độ sâu khoảng 100 m so với mặt đường đi và tử vong tại chỗ.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, 2 người bạn đi cùng đoàn đã nhờ người đi đường trợ giúp thông báo đến lực lượng chức năng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc đã khẩn trương có mặt tại hiện trường đưa thi thể người bị nạn cùng chiếc xe máy lên khỏi vực.
"Ngay sau đó chúng tôi báo cáo lên lãnh đạo tỉnh cũng như gửi thông tin đến Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Việt Nam. Hiện nay, thi thể của người đàn ông ngoại quốc vẫn ở Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc để làm những thủ tục cần thiết rồi sẽ bàn giao lại cho các cơ quan chức năng liên quan"- ông Lợi cho biết.
Một đoạn đường cheo leo trên đèo Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng (có âm đọc Mã Pí Lèng) là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở thuộc tỉnh Hà Giang, dài khoảng 20 km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền TP Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Mã Pì Lèng gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ "sống mũi con ngựa" theo nghĩa đen, nói rộng ra miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 2.000 m, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Điền Bồng, Trung Quốc.
Đèo Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là cung đèo hiểm trở bậc nhất ở vùng núi biên viễn phía bắc, được ví như "vua" của các con đèo Việt Nam.
Mã Pí Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Bình luận (0)