Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề xuất Chính phủ xem xét cho áp dụng cơ chế đặc thù để giao mỏ cát trên địa bàn cho nhà thầu khai thác phục vụ thi công các tuyến cao tốc. Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với ông Thái Minh Hiển, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang.
. Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về cơ chế đặc thù giao mỏ cát cho nhà thầu mà An Giang đề xuất. Cơ chế này hiện đã được chấp thuận chưa?
- Ông THÁI MINH HIỂN: UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ xem xét cho áp dụng cơ chế đặc thù để giao mỏ cát cho nhà thầu thi công các tuyến đường cao tốc không qua địa bàn tỉnh An Giang nhằm bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ việc thi công, đặc biệt là tuyến Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Tại cuộc họp, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TN-MT có hướng dẫn nội dung đề xuất của tỉnh An Giang áp dụng cơ chế đặc thù giao mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc dựa trên cơ sở quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 8-9-2022 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ TN-MT tại Văn bản số 1141/BTNMT-ĐCKS ngày 18-3-2023. UBND tỉnh An Giang đang áp dụng theo hướng dẫn của Bộ TN-MT tại hội nghị nhưng cũng rất mong chờ thông báo kết luận chính thức của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh về việc áp dụng cơ chế đặc thù này để tỉnh yên tâm triển khai thực hiện đúng quy định.
. Hiện nay, Sở TN-MT tỉnh An Giang đã đề xuất đưa những mỏ cát nào vào cơ chế đặc thù, thưa ông?
- Để chuẩn bị nguồn vật liệu cát san lấp phục vụ công trình thi công đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua tỉnh An Giang cũng như hỗ trợ nguồn vật liệu cho việc thi công 2 tuyến Cần Thơ - Cà Mau và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh An Giang phê duyệt danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL và các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh An Giang theo Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 25-9-2023 và bổ sung tại Quyết định số 1642/QĐ-UBND ngày 13-10-2023; đồng thời trình phê duyệt danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang theo Quyết định số 1542/QĐ-UBND ngày 25-9-2023.
Theo danh mục phê duyệt, tỉnh An Giang đã đưa 11 khu mỏ vào cơ chế đặc thù. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang được giao 6 khu mỏ; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là 2 khu mỏ và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 3 khu mỏ.
. Nếu được chấp thuận thì trữ lượng cát của các mỏ sẽ đáp ứng bao nhiêu phần trăm nhu cầu của các dự án thi công đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL mà An Giang phải cung cấp?
- Hiện nay, nhu cầu nguồn cát cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang khoảng 9,321 triệu m3. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang hỗ trợ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 7 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh An Giang hỗ trợ cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là 7,5 triệu m3.
Tỉnh An Giang đang huy động nguồn khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường từ các mỏ, dự án nạo vét đang được phép hoạt động, nếu áp dụng cấp phép khai thác thêm mỏ mới cho nhà thầu thi công theo cơ chế đặc thù thì trữ lượng cát của các mỏ sẽ đáp ứng được 100% nguồn khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
An Giang cung cấp nguồn cát rất lớn để thực hiện các tuyến cao tốc tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: VĨNH KỲ
. Khai thác cát luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là gây thất thoát như vụ việc vừa qua diễn ra ở An Giang. Sở TN-MT có tính toán những biện pháp giám sát, quản lý nào để cát ở các mỏ có áp dụng cơ chế đặc thù được sử dụng đúng mục đích?
- Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, quản lý chặt chẽ nguồn vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, thời quan qua, Sở TN-MT đã đề xuất một số biện pháp tăng cường quản lý như sau:
Yêu cầu các đơn vị khai thác phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và camera trên phương tiện khai thác; đăng ký cụ thể số lượng, số hiệu, dung tích và công suất khai thác theo đúng các hồ sơ được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Đơn vị vận chuyển phải cung cấp số hiệu từng sà lan đăng ký phục vụ công trình, dự án cụ thể và phải lắp đặt định vị trên phương tiện có đường truyền về máy chủ đặt tại Sở TN-MT.
Chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì thành lập các chốt kiểm soát cát xuất ra ngoài tỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của đoàn liên ngành. Định kỳ hằng tháng, Sở TN-MT phối hợp với chủ đầu tư dự án được phân bổ nguồn cát đối chiếu, kiểm kê nguồn cát đã khai thác cung cấp cho công trình nhằm bảo đảm đúng khối lượng, đúng địa chỉ, không để thất thoát ra bên ngoài.
Sở TN-MT đang phối hợp với Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh và các đơn vị có liên quan xây dựng quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố được hỗ trợ nguồn cát; chủ đầu tư, chủ thầu các dự án... nhằm bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng nguồn cát đúng mục đích, đúng trữ lượng, minh bạch và không để thất thoát ra bên ngoài.
Ngoài ra, Sở TN-MT đã báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT có hướng dẫn để cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện việc kiểm kê trữ lượng khoáng sản và theo dõi, giám sát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế tại các mỏ khoáng sản cát sông đã được cấp phép khai thác.
. Những biện pháp trên có đủ bảo đảm sai phạm về khai thác cát không tái diễn?
- Khi tăng cường các giải pháp kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát sông cũng như trữ lượng khai thác tại các khu mỏ thì hy vọng thời gian tới, việc chấp hành pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép được thực hiện nghiêm minh; công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt việc khai thác cát sông sẽ đi vào nề nếp hơn, không để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn tỉnh như thời gian qua.
. Ông kỳ vọng gì về cơ chế đặc thù mà An Giang đề xuất nếu được Chính phủ thông qua?
- Tỉnh đang hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công các tuyến đường cao tốc nêu trên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trong năm 2023.
Rất mong Bộ trưởng Bộ TN-MT có ý kiến rõ hơn (hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ) về đề xuất của tỉnh giao mỏ cát cho nhà thầu thi công các tuyến cao tốc không qua địa bàn tỉnh An Giang thì tỉnh yên tâm hơn trong quá trình thực hiện. Qua đó sẽ góp phần giải quyết đủ trữ lượng cát cung cấp cũng như rút ngắn thời gian khai thác nhằm bảo đảm nguồn vật liệu phục vụ thi công các tuyến đường cao tốc nói trên, góp phần phát triển khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.
Còn nhiều nguồn cát phục vụ thi công các tuyến cao tốc
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ TN-MT ngày 11-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết hiện nay, An Giang còn 4 khu mỏ có giấy phép khai thác còn hiệu lực để cung cấp nguồn cát san lấp cho 2 tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau, với tổng diện tích 155,98 ha, công suất khai thác 2,37 triệu m3/năm.
Ngoài ra, An Giang đang huy động thêm nguồn vật liệu từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao (đoạn huyện Chợ Mới) với khối lượng 3,3 triệu m3 và dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy trên sông Tiền (khu vực thị xã Tân Châu) với khối lượng 1,2 triệu m3.
Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh mục khu vực khoáng sản cát sông phục vụ nguồn vật liệu cho các dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL và phê duyệt danh mục 21 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm nguồn cát cho các dự án trọng điểm.
Bình luận (0)