Theo tờ trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đánh giá quy định hiện nay về điều kiện kinh doanh đối với loại hình hợp đồng và xe du lịch (gọi tắt là xe hợp đồng) còn đơn giản, dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị vận tải lợi dụng gây mất trật tự, khó kiểm tra, kiểm soát.
Ngăn xe dù, bến cóc
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, để thực hiện Nghị định 86/CP, trong thời gian qua các địa phương đã siết chặt quản lý điều kiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi và xe buýt. Điều này đã góp phần làm cho loại hình xe hợp đồng phát triển mạnh do các điều kiện kinh doanh vận tải và quy định về quản lý đối với xe hợp đồng còn tương đối dễ đạt được. Thực tế đã xảy ra tình trạng xe hợp đồng cạnh tranh không lành mạnh với các phương tiện vận tải tuyến hành khách cố định.
Thanh tra Giao thông Vận tải Hà Nội xử phạt các xe Limousine dừng, đỗ sai quy định
Hiện tượng "xe dù, bến cóc" do xe hợp đồng gây nên đang ngày càng phức tạp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Việc bổ sung những điều kiện, quy định mới để đưa hoạt động kinh doanh xe hợp đồng vào khuôn khổ, chấm dứt vấn nạn xe hợp đồng trá hình.
Dự thảo nghị định mới cũng bổ sung quy định đơn vị kinh doanh xe hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác.
Dự thảo cũng yêu cầu trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh phải báo cáo bằng văn bản, email hoặc phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi. Hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách, với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Từ ngày 1-7-2020, các đơn vị kinh doanh loại hình vận tải này phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận tải qua phần mềm do Bộ GTVT quy định.
Hậu kiểm bằng công nghệ
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, đánh giá những điểm mới được Bộ GTVT đưa ra nhằm bảo vệ người dân, giúp doanh nghiệp (DN) cạnh tranh công bằng. "Tôi cho rằng không chỉ ngành giao thông mà các ngành khác như tài chính, công an nên vào cuộc để xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc" - ông Liên nói.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng nhận định những năm gần đây, lượng xe hợp đồng trá hình, chủ yếu là xe 16 chỗ "lách luật" hoán cải thành xe dưới 8 chỗ ngồi tăng rất nhanh. Xe nhỏ có thể len lỏi vào mọi ngõ ngách trong nội đô để đón khách đã gây áp lực lên các tuyến phố và tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Dịch vụ này thuận tiện cho hành khách nhưng vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải, tác động xấu đến thị trường vận tải tuyến cố định; gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng do không chạy theo luồng tuyến, không đón trả khách tại bến cố định.
Giải thích về những quy định trên, Bộ GTVT cho rằng đây là một trong những giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý tình trạng "xe dù, bến cóc" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu quy định này bị bãi bỏ, vô hình trung sẽ tạo thêm kẽ hở để phát sinh xe dù, bến cóc và không có thêm giải pháp gì để kiểm soát và xử lý đối với đối tượng này. Quy định này là cơ sở để phục vụ công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải.
Theo dõi bằng thiết bị giám sát hành trình
Đề cập việc giám sát xe hợp đồng thực hiện các quy định nêu trên, ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và hợp đồng vận tải, sẽ xác định được DN có vi phạm quy định hay không. "Tổng cục Đường bộ đang xây dựng phần mềm để đối chứng với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, làm cơ sở đưa ra chế tài xử phạt và sẽ cố gắng thực hiện theo phương thức phạt nguội. Ngoài ra còn có hệ thống camera trên các tuyến đường sẽ giám sát, xử lý được loại hình vận tải này" - ông Thủy nói.
Bình luận (0)