Phóng viên: Xin Đại sứ chia sẻ những kỳ vọng của mình về chuyến thăm, làm việc tại Mỹ từ ngày 11 đến 17-5 của Thủ tướng Phạm Minh Chính?
- Đại sứ MARC KNAPPER: Chúng tôi rất vui mừng vì Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đến Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN và các cuộc họp với chính phủ, doanh nghiệp và giới nghiên cứu Mỹ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: Hữu Hưng
Lịch trình bận rộn của phái đoàn Thủ tướng cho chuyến thăm này thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Việt Nam đối với cả hai quốc gia, bao gồm các lĩnh vực y tế, giáo dục, an ninh và quốc phòng, thương mại và phát triển.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ đang trên đà phát triển tích cực, Đại sứ đánh giá thế nào về triển vọng, cơ hội nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ?
- Quan hệ đối tác của hai nước đang rất mạnh mẽ, cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong rất nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, y tế, năng lượng và an ninh, Mỹ và một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập đang cùng hợp tác với cam kết chung vì hòa bình và thịnh vượng.
Quan hệ đối tác Mỹ - Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay và như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói chưa bao giờ Việt Nam có uy tín quốc tế cao như hiện nay. Hai nước chúng ta đã đi từ một lịch sử xung đột và chia rẽ đến quan hệ Đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân, cũng như nỗ lực giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại. Quan hệ đối tác của hai nước không ngừng phát triển mỗi ngày và chúng tôi chân thành mong muốn nâng cấp mối quan hệ này thành Đối tác chiến lược. Chúng tôi tin rằng đối tác chiến lược sẽ mô tả chính xác hơn những công việc chúng ta đang làm cùng nhau. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ rằng Việt Nam và quan hệ đối tác với Việt Nam đóng vai trò trọng tâm trong cam kết của Mỹ đối với khu vực quan trọng này.
Có ý kiến cho rằng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Đại sứ có thể cho biết các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đến đầu tư lĩnh vực nào tại Việt Nam và Việt Nam cần làm gì để tăng cường thu hút đầu tư từ Mỹ?
- Về quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa Mỹ và Việt Nam đang trong một thời điểm quan trọng đối với mỗi nước. Trong đó, quan hệ thương mại là một trong những thành quả lớn nhất của hai nước. Dù chịu tác động của dịch Covid-19, thương mại song phương Mỹ - Việt Nam vẫn đạt gần 113 tỉ USD vào năm 2021, tăng 26% so với năm 2020. Các công ty Mỹ và Việt Nam đã đầu tư và tiếp tục cùng đầu tư hàng tỉ USD trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, năng lượng, công nghệ và cơ sở hạ tầng.
Thủy sản là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Mỹ. Ảnh: NGỌC TRINH
Chúng tôi là một đối tác mạnh mẽ của Việt Nam trong suốt đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục hợp tác để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi đã cung cấp gần 40 triệu liều vắc-xin và các công ty của chúng tôi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam mua sắm hàng ngàn máy thở mới. Dù đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và vận tải hàng hóa, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế của hai nước nhưng quan hệ đối tác đã giúp chúng ta nỗ lực phục hồi sau đại dịch để hướng tới những ngày tốt đẹp hơn.
Như đặc phái viên của Tổng thống John Kerry từng phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam của ông vào tháng 2 vừa qua, thập kỷ này sẽ là thập kỷ hành động vì khí hậu, không khu vực nào trên thế giới có vai trò quan trọng hơn các nền kinh tế tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương trong việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về không phát thải ròng vào năm 2050. Chúng tôi nhận thấy những cơ hội to lớn trong việc khu vực tư nhân - gồm các doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam - với các hoạt động đổi mới và đầu tư, có thể hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Mỹ là đối tác bền bỉ của Việt Nam trong những nỗ lực này, không chỉ trong nhiều năm mà nhiều thập kỷ tới.
Còn ở lĩnh vực kinh tế số thì sao thưa ông?
- Một lĩnh vực hợp tác song phương đầy hứa hẹn khác là nền kinh tế số, lĩnh vực ngày càng có vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế. Trong hai năm qua, thương mại điện tử, các cuộc họp trực tuyến và thanh toán điện tử đã giúp các nền kinh tế tiếp tục phát triển trong bối cảnh một đại dịch toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Năm 2020, nền kinh tế số mới chiếm khoảng 5% GDP của Việt Nam và chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng tỉ trọng này lên 30% GDP vào năm 2030. Mỹ mong muốn Việt Nam đạt vị thế dẫn đầu trong nền kinh tế số nhưng việc xây dựng tốt các cấu trúc cơ bản có vai trò quan trọng. Chúng tôi vui mừng khi tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc cân bằng giữa cơ hội phát triển và đổi mới với nhu cầu về quyền riêng tư và bảo mật.
Nhìn về tương lai, tôi nhận thấy những cơ hội to lớn để chúng ta làm sâu sắc thêm và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ và các khu vực tư nhân của chúng ta để hỗ trợ các mục tiêu chung tại Việt Nam là xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tăng trưởng bền vững; phát triển nền kinh tế số phù hợp với thông lệ toàn cầu, đồng thời đưa các sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp thế giới của Mỹ đến Việt Nam để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Chúng ta đang cùng nhau xây dựng sự thịnh vượng cho người dân của cả Việt Nam và Mỹ. Với 113 tỉ USD thương mại song phương, 2,8 tỉ USD Mỹ đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam, đầu tư của Việt Nam vào nền kinh tế Mỹ cũng đang gia tăng, hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam và sự hợp tác của chúng ta nhằm thúc đẩy thương mại tự do, công bằng và cởi mở, hai nền kinh tế của chúng ta sẽ ngày càng kết nối với nhau. Sự thịnh vượng của chúng tôi cũng là sự thịnh vượng của các bạn.
Hợp tác Việt Nam - Mỹ không chỉ giới hạn trong các vấn đề song phương mà đang mở rộng sang các vấn đề khu vực và toàn cầu, Đại sứ có thể cho biết rõ thêm về vấn đề này?
- Việt Nam là một nhân tố quan trọng trên trường quốc tế, minh chứng là nhiệm kỳ hai năm thành công của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới đây. Chúng tôi hợp tác với Việt Nam trong nhiều nội dung liên quan đến các mục tiêu chung của chúng ta về hòa bình và thịnh vượng của khu vực và toàn cầu. Trong đó, đáng chú ý là việc hỗ trợ Việt Nam triển khai các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi vui mừng hợp tác với Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam nhằm cung cấp thiết bị, đào tạo và trao đổi chuyên môn với lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam.
Chúng tôi cũng vui mừng khi là đối tác của Việt Nam trong khối ASEAN. Mỹ hoan nghênh một ASEAN mạnh mẽ và độc lập, đóng vai trò dẫn đầu ở Đông Nam Á. Chúng tôi ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và hỗ trợ ASEAN trong nỗ lực đưa ra giải pháp bền vững cho những thách thức cấp bách nhất của khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi sẽ làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác lâu dài với ASEAN đồng thời khởi động các chương trình hợp tác cấp cao mới về sức khỏe, khí hậu và môi trường, năng lượng, giao thông vận tải, công bằng giới và bình đẳng giới.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình phát triển tầm nhìn về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm nâng cao sức mạnh, tính bao trùm và năng lực cạnh tranh cho các nền kinh tế. Thông qua sáng kiến này, chúng tôi mong muốn đóng góp vào sự hợp tác, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Hai bên đã tích cực triển khai kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững; đồng thời tiếp tục duy trì đối thoại để tăng cường hợp tác và giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ thương mại.
Đến tháng 3-2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỉ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Gần đây, Intel thông báo đầu tư thêm gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP HCM; Foxconn - đối tác sản xuất chính của Apple - bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang... Phía Mỹ cũng thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29-3, tập đoàn VinFast ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỉ USD tại bang North Carolina.
Bình luận (0)