Đó là nút thắt gần cuối trong chuỗi thi hành kỷ luật đối với ông Lê Phước Hoài Bảo sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận ông Bảo không trung thực khi kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2015-2020; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, bỏ sinh hoạt Đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt Đảng theo quy định trong thời gian đi học thạc sĩ tại nước ngoài. Để xảy ra trường hợp sai phạm của ông Bảo, cha của ông là Lê Phước Thanh cũng bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật với hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015.
Trường hợp này có phần đáng tiếc bởi ông Bảo được đánh giá là cán bộ có năng lực thật sự. Nếu không vào làm cho cơ quan nhà nước, ông Bảo vẫn có thể thành danh khi làm việc ở các khu vực khác. Có ý kiến cho rằng nếu thực tài thì cần gì vào cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cũng phải nghĩ ngược lại: Cơ quan nhà nước cần người tài lắm chứ, hầu như địa phương nào cũng trải thảm chiêu hiền đãi sĩ, tại sao hiền tài lại từ chối đầu quân, thậm chí họ mặc nhiên sở hữu suất làm việc ở đó.
Nhưng mà người tài là con dân khác với người tài là con quan, khổ cho con quan chức ở chỗ đó! Con dân có tài và thành đạt thường được khen, con quan có tài và giàu có hay bị chê, kiểu "nhà mặt phố, bố làm quan", giỏi giang gì!
Dường như cái đó đã trở thành hội chứng trong xã hội, như mới đây lại rộ lên chuyện ông Nguyễn Đức Thiện - con ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - từ chuyên viên của Sở Ngoại vụ tỉnh bay vèo lên chức phó phòng và mới đây được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ đối ngoại thuộc sở này. Các sở - ban - phòng thuộc tỉnh đều khẳng định ông Thiện có năng lực và được bổ nhiệm đúng quy trình, đúng quy định.
Tỉnh nói thế nhưng dư luận chắc gì tin theo! Trước đó, trường hợp ông Bảo, con ông Thanh, quan thầy tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định đúng, chắc như bắp; thậm chí một ông thứ trưởng Bộ Nội vụ vào kiểm tra cũng bảo làm đúng hết, nói cứ như đinh đóng cột, về sau thì tuầy huầy cả ra… Mấy chuyện đó khiến người dân mất niềm tin là vậy và cứ hoài nghi, bực dọc không dứt về con ông cháu cha.
Một khi đã vào làm việc ở khu vực công thì phải nắm rõ hai thứ: không được thăng quan tiến chức sai quy định và quy trình; đừng trèo cao, chen sâu bằng quan hệ con ông cháu cha. Hai điều tối kỵ đó, nhiều người chắc hẳn biết rõ nhưng đã không tránh được. Và khi đương chức thì cho dù mình là quan to cũng vẫn phải luôn nhớ câu "quan nhất thời, dân vạn đại", để nhỡ có ngã ngựa thì không bị thiên hạ phỉ báng, hả hê… Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và mới nhất là một thiếu tướng, cục trưởng của Bộ Công an, một thời quyền lực cao vợi, hét ra lửa, đến khi bị lột áo quan vì mắc sai phạm lớn thì có còn lại gì... Đấy là những gương tày liếp!
Bình luận (0)