xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng Bình chìm trong "đại hồng thủy"

QUANG TÁM - HOÀNG PHÚC

Cơn "đại hồng thủy" đang khiến hàng vạn ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn hộ dân phải di dời

Tối 18 đến sáng 19-10, tại Quảng Bình mưa như trút nước khiến hàng chục ngàn nhà dân bị ngập lụt nặng nề. Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã làm gần 80.000 nhà dân bị ngập, hơn 200 thôn bản bị cô lập, chia cắt và hơn 8.700 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Địa phương này đã có 4 người chết, 6 người bị thương do lũ.

"Còn chi nữa trời ơi...!"

Những ngôi làng thấp trũng ven sông Gianh ở huyện Quảng Trạch, ở thị xã Ba Đồn giờ đây chỉ còn lại mái ngói, một màu nước bạc mênh mông. Trong 2 ngày qua, nhiều ngôi nhà của người dân nơi đây nước đã lên tới nóc, họ đành buông bỏ đồ đạc để chạy lũ. Anh Võ Truyền, ngụ thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch người mệt mỏi bởi suốt đêm canh lũ. 

Khu vực quê anh nước đã lên tận mái nhà, nhiều gia đình phải trổ ngói khi ngồi trên gác. "Nước tới mái nhà rồi, sợ thật. Ở đây mà còn thế này thì các vùng quê còn chi nữa trời ơi, tội nghiệp quá" - anh Truyền tâm sự. Trong thôn anh, cũng có nhiều căn nhà cấp 4 thấp nhỏ, nước dâng cao, những con người trong ấy đành phải dỡ ngói thoát ra ngoài.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, cho biết nước sông Gianh dâng cao tràn qua địa bàn xã này khiến 4 thôn Hướng Phương, Pháp Kệ, Tô Xá và Đông Dương bị lũ cô lập; một số nhà nằm sát rìa đồng đã chìm trong biển nước, người dân liên tục cầu cứu chính quyền.

Quảng Bình chìm trong đại hồng thủy - Ảnh 1.

Nước ngập đến nóc những ngôi nhà ở xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch), tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC

Theo thống kê ban đầu, tại huyện Quảng Trạch có gần 4.000 nhà dân với hơn 13.000 nhân khẩu bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Phương, Quảng Lưu, Quảng Thanh, Liên Trường, Cảnh Hóa… Chính quyền địa phương cũng đã di dời 153 hộ dân với 503 người đến nơi an toàn.

Trong khi đó, tại thị xã Ba Đồn có hơn 23.000 nhà dân bị ngập, những địa phương này đều nằm ở khu vực hạ lưu sông Gianh như: Quảng Văn (1.699 nhà), Quảng Trung (500 nhà), Quảng Minh (1.800), Quảng Lộc (1.400 nhà), Quảng Hải (940 nhà)… Trong tối qua, thị xã Ba Đồn cũng đã tổ chức di dời hơn 8.500 người dân đến các điểm tập trung như trường học, nhà thờ để tránh trú.

Bà Lê Kim Anh (48 tuổi, ngụ xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn), cho biết lũ lên nhanh và đột ngột khiến người dân không kịp xoay xở, phải bỏ tài sản để chạy thoát thân. Riêng nhà bà ở vùng cao hơn, mỗi khi nước dâng lên tới đâu thì kê đồ lên cao tới đó, đến khi nước dâng tới 3 m thì không còn chỗ để trú nữa. Bàn thờ bị ngập, nhiều đồ đạc, tài sản ngập trong nước.

Còn tại phía Nam tỉnh Quảng Bình, dọc con sông Kiến Giang chảy qua huyện Lệ Thủy cũng có tới 30.000 nhà dân ở hầu hết các xã bị ngập. Các xã như An Thủy, Lộc Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, thị trấn Kiến Giang… bị nước lũ bủa vây, có nơi ngập sâu từ 1-4 m. Nước lũ làm cô lập và chia cắt tuyến đường vào bản Bạch Đàn (xã Lâm Thủy) và bản An Bai (xã Kim Thủy).

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết lực lượng công an, biên phòng và chính quyền địa phương trắng đêm di dời khẩn cấp hàng ngàn người dân trong lũ. Hiện địa phương này đã có 2 người ở xã Thanh Thủy tử vong do mưa lũ vào ngày hôm qua.

Còn tại các địa phương khác, như huyện Bố Trạch có gần 10.000 hộ dân bị ngập lụt; huyện Minh Hóa có 1.080 hộ dân bị ngập; Tuyên Hóa có 3.482 nhà bị ngập; TP Đồng Hới cũng có tới 1.239 nhà bị ngập. Trong tối 18-10 đến sáng 19-10, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình tổ chức di dời 9.229 hộ dân đến nơi an toàn.

Mưa lũ cũng đã làm sạt lở, ngập lụt chia cắt nhiều tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây. Các tuyến đường liên huyện, liên xã ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch... đã bị chìm ngập trong nước.

Cứu nhau khi hoạn nạn

Tại huyện Quảng Ninh, có gần 15.000 nhà dân bị ngập hầu hết tại các xã. Một số xã nằm ven sông Long Đại, như: Tân Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh… bị nước ngập sâu, lũ vây tứ phía, gây chia cắt cục bộ. Toàn huyện này có 57 thôn, bản ở 11 xã bị cô lập, chia cắt. 1 người ở xã Gia Ninh trong lúc chạy lũ đã bị lật đò, đuối nước thương tâm.

Cả ngày 19-10, nhiều người đã không khỏi xót xa, lo lắng khi trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện những dòng status nhờ lực lượng chức năng, các đội cứu hộ địa phương đến cứu viện người thân ra khỏi vùng nguy hiểm vì nước đã dâng tới nóc nhà, không còn chỗ trú ẩn.

Quảng Bình chìm trong đại hồng thủy - Ảnh 2.

Nước ngập đến nóc những ngôi nhà ở xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy), tỉnh Quảng Bình Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trước tình hình đó, từ đêm 18-10, người dân vùng biển xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh đã tự chạy ghe vào rốn lũ lịch sử Tân Ninh, An Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh, Võ Ninh. Ông Phan Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết 15 ghe của ngư dân đánh cá bãi ngang, tập trung chủ yếu ở thôn Cừa Thôn và Tân Hải đã liên tục lên đường cứu hộ, cứu nạn khi đọc được tin cầu cứu.

Các ghe được vận chuyển bằng đường bộ lên Dinh Mười, xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), sau đó vượt lũ thẳng tiến vào các ngôi làng ngập lụt để cứu người. "Xã vận động là người dân ủng hộ ngay lập tức. Cứ 4-5 người một ghe và cứ nhóm này mệt thì nhóm kia lại lên đường cứu người từ đêm hôm trước đến chiều hôm sau. Mỗi ghe cứu được tầm 10 người đưa về những ngôi nhà cao ráo, địa điểm an toàn" - ông Khánh cho biết.

Trên những chiếc ghe ấy còn chở thêm ít sữa, mì gói, kẹo bánh, nước sạch do các ngư dân bỏ tiền mua để tiếp tế dân vùng lũ. "Dân sống ở gần biển thì rất dễ thiệt hại mỗi lần bão vào, còn vùng trũng thì lũ lụt. Chúng tôi quen sống vùng sông nước, đọc được những lời cầu cứu mà chẳng lẽ làm ngơ" - anh Nguyễn Hoàng Thanh, một người dân Hải Ninh, chia sẻ. 

Hơn 5 giờ mắc kẹt trong xe bị nước cuốn

Khoảng 1 giờ 20 phút ngày 19-10, xe khách BKS: 43B - 024.54 có 18 người khi qua đoạn bị ngập lụt ở ngầm Khe Gát trên Tỉnh lộ 563 ở thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch thì bị dòng nước lũ cuốn trôi về phía rừng sâu hơn 100 m, mắc kẹt. Xe bị ngập lên đến gần một nửa, nước chảy mạnh nên hành khách hoảng loạn, không có cách nào thoát ra được. Công an huyện Bố Trạch đã huy động 100 cán bộ chiến sĩ cùng 5 ôtô và các trang thiết bị cứu hộ cần thiết và sau 5 giờ đã cứu được mọi người an toàn.

Đưa hàng vào Rào Trăng 3

Ngày 19-10, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ, phương tiện tập trung vận chuyển 200 thùng mì gói, 500 kg gạo và nhiều nhu yếu phẩm, thuốc men, thiết bị máy móc cần thiết, nhiên liệu, công nhân lái xe múc, xe xúc đưa vào Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền).

6-ảnh-box

Đưa hàng cứu trợ vào Rào Trăng 3 Ảnh: QUANG TÁM

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng phối hợp lực lượng quân đội để tìm phương án tác chiến nhanh, hiệu quả, an toàn. Bộ Công an đã tăng cường thêm phương tiện đường thủy, gồm 2 canô có công suất lớn để phục vụ cho công tác vận chuyển lực lượng, phương tiện và nhu yếu phẩm cũng như tìm kiếm 15 công nhân mất tích. Hệ thống thông tin liên lạc đã kết nối vào thủy điện Rào Trăng 4 và một số vùng lân cận, riêng thủy điện Rào Trăng 3 các đơn vị chức năng đang nỗ lực để kết nối.

Trong khi đó, tuyến đường bộ theo Tỉnh lộ 71 lên thủy điện Rào Trăng 3 đang bị sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, hiện còn khoảng 1 km mới tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 với 3 ngầm tràn rất lớn, rộng khoảng 50 m, thời tiết mưa nhiều trong mấy ngày qua làm nhiều đoạn của đường 71 mới được khôi phục tiếp tục sạt lở lại, nên việc thi công bằng cơ giới gặp nhiều khó khăn. Tiếp đó, đoạn từ Rào Trăng 4 lên Rào Trăng 3 bằng đường bộ còn khoảng 10 km với nhiều điểm sạt lở, trong đó có 9 điểm sạt lở rất lớn.

Cảm ơn những tấm lòng

Ngày 19-10, cụ bà Phạm Thị Nhơn (91 tuổi) và bà Phạm Thị Hường (87 tuổi; ngụ phường 15, quận 10, TP HCM) gửi gắm người cháu đến Tòa soạn Báo Người Lao Động nhờ đóng góp 5,5 triệu đồng đã tiết kiệm từ lương hưu trí. Tiếp đó, Công ty Luật Kinh Luân đến Tòa soạn trao 5 triệu đồng, Phạm Minh Chí (quận 10): 200.000 đồng, bà Nguyễn Thị Hằng Nga (huyện Củ Chi, TP HCM): 3 triệu đồng, Phạm Khánh Anh (475 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM): 3 triệu đồng, Đào Gia Phú (quận 3, TP HCM): 5 triệu đồng, Đặng Nguyễn Hoàng Vy (quận 3): 5 triệu đồng... Tổng số tiền ủng hộ trong ngày là 50.510.000 đồng, nâng tổng số tiền ủng hộ từ đầu chương trình đến nay là hơn 2,1 tỉ đồng.

Mọi sự đóng góp xin gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua Chương trình "Trái tim miền Trung".

Bạn đọc và các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gửi tại Tòa soạn Báo Người Lao Động (123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM) hoặc các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc của báo trên cả nước:

- Hà Nội: 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Điện thoại (ĐT): (024) 39274484.

- Đà Nẵng: 152 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu. ĐT: (0236) 3837623.

- Tây Nguyên - Nam Trung Bộ: 6 Lê Thánh Tôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: (0258) 3510889.

- TP Cần Thơ: 97 Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều. ĐT: (0292) 3814462.

- Đông Nam Bộ: 16 Nguyễn Du, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 0903343439.

- Phú Quốc: 58 Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông. ĐT: 0909767779.

Báo Người Lao Động sẽ nhanh chóng tổ chức các chuyến cứu trợ người dân vùng bị thiên tai.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.

BAN BIÊN TẬP

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo