Vì bị Xiêm xâm chiếm phần đất căn bản, nên vua Chân Lạp là Châychitta đã chạy sang dựa vào sự giúp đỡ của chúa Nguyễn để ngăn chặn Xiêm. Nhằm kết thân với chúa Nguyễn, vào năm 1620, Châychitta xin hỏi cưới con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, do đó ông đã đồng ý theo yêu cầu của chúa Nguyễn để người dân Việt được vào buôn bán và khai thác đất đai trên đất Nam Bộ, vốn là vùng đất cũ của Vương quốc Phù Nam đã bị tàn tạ và hoang hóa sau ngày Vương quốc Phù Nam bị sụp đổ.
Cuộc Nam tiến cơ bản kết thúc giữa thế kỷ XVIII
Dân Quảng Nam được chúa Nguyễn huy động vào đây lập nghiệp. Trên cơ sở đó, nhiều làng Việt đã ra đời ở Mô Xoài và Đồng Nai. Đồng thời, làn sóng di dân của người Việt vẫn còn được tiếp tục đẩy mạnh trên đất Nam Bộ trong các thập kỷ về sau. Đặc biệt, vào năm 1659, được sự hỗ trợ của chúa Nguyễn, Batom Reachea, một hoàng thân của Chân Lạp, đã lên nắm chính quyền ở Chân Lạp; và đến năm 1663 trở thành vua Paramajaya VIII. Vì thế, Batom Reachea đã cho phép người Việt được quyền sở hữu đối với những đất đai đã khai phá.
Đến năm 1679, một nhóm người Trung Quốc, cầm đầu là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên, không chịu thần phục nhà Thanh mới lên thay nhà Minh, đã bỏ xứ đem 3.000 lính cùng với 50 chiếc thuyền đến đầu phục chúa Nguyễn tại Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Tần thâu nhận và phong tước, rồi sai quan đưa họ vào đất Đông Phố (Gia Định) và Mỹ Tho (Định Tường) để khai khẩn đất hoang, làm ăn buôn bán. Một đoàn theo Dương Ngạn Địch ngược sông Tiền đến lập nghiệp tại Mỹ Tho. Một đoàn theo Trần Thượng Xuyên ngược sông Đồng Nai đến lập nghiệp tại Ban Lân (Biên Hòa).
Những người này thành lập được hai trung tâm buôn bán lớn là Nông Nại đại phố (Đồng Nai) và Mỹ Tho đại phố (Tiền Giang). Các thuyền buôn Trung Hoa, Nhật Bản, Chà Và, châu Âu đều đến đây buôn bán. Đến năm 1688, những người Hoa ở Mỹ Tho lại nổi loạn. Hoàng Tiến giết chết chủ tướng Dương Ngạn Địch rồi xây lũy đóng đồn, làm tàu, đúc súng đạn lập thành khu tự trị và chống đánh vua Chân Lạp. Theo lời thỉnh cầu của vua Chân Lạp là Nặc Ông Nộn, chúa Nguyễn Phúc Thái sai quân vào đánh dẹp, bắt giết Hoàng Tiến, phá hủy các chiến lũy, còn bộ hạ của Hoàng Tiến thì giao cho Trần Thượng Xuyên.
Bên cạnh các lực lượng nói trên, chúa Nguyễn còn cho một số binh sĩ được mang theo gia đình và đóng đồn, khẩn hoang lập đồn điền. Lúc này, cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã kết thúc nên Chúa Nguyễn khuyến khích các quan lại, địa chủ giàu có ở Thuận - Quảng được mộ dân phiêu tán từ Bắc Bố Chính trở vào và cho họ đến đây lập nghiệp, đồng thời "thiết lập hệ thống xã, thôn, phường, chia cắt giới phận, và tiến hành việc khẩn hoang ruộng nương". Đồng thời, chúa Nguyễn còn cho phép các địa chủ giàu có được nuôi nô tì để tham gia khẩn ruộng.
Rất nhiều họ tộc ở Nam Bộ hiện nay có nguồn gốc từ vùng Ngũ Quảng. Trong ảnh: Sông nước Long Xuyên (An Giang). Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG
Đến năm 1698, khi công cuộc khai khẩn đất Nam Bộ về cơ bản hoàn thành, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai và đặt nền móng về hành chính cho vùng đất cực Nam của bản đồ Tổ quốc. Nguyễn Hữu Cảnh đứng ra thiết lập hệ thống các xã, thôn, phường, ấp, định về thuế lệ, lập sổ đinh và sổ điền. Ngoài ra, ông còn cho lập ra hai xã Thanh Hà và Minh Hương để quy tụ những người Hoa đến buôn bán làm ăn. Tất cả những việc làm trên đây đều được tiến hành nhanh chóng và hòa bình dưới sự công nhận mặc nhiên của vua Chân Lạp là Jayachettha III.
Đến đầu thế kỷ XVIII, lãnh thổ của Đàng Trong còn được mở rộng thêm bằng việc sáp nhập đất Hà Tiên. Hà Tiên vốn do một người Hoa là Mạc Cửu được vua Chân Lạp cho tổ chức lập sòng bạc. Mạc Cửu đã chiêu mộ di dân người Việt tiến hành khai hoang, lập được 7 thôn nhưng luôn bị quân Xiêm quấy nhiễu. Vì thế, vào năm 1708, ông ra Thuận Hóa xin quy phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và lập thành một trấn độc lập trực thuộc vào đồ bản của chúa Nguyễn.
Ngoài ra, đến năm 1732, để dựa vào sự giúp đỡ của chúa Nguyễn, vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu đã chính thức nhường cho chúa Nguyễn đất Mỹ Tho và Long Hồ. Đến năm 1756, vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên nhường tiếp hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp (tức Long An và Gò Công ngày nay). Đến năm 1761, vua Chân Lạp là Nặc Ông Tôn nhường tiếp cho chúa Nguyễn đất Tầm Phong Long (tức Sóc Trăng và Trà Vinh ngày nay).
Như vậy là cho đến giữa thế kỷ XVIII, cả vùng đất Nam Bộ, vốn trước đây thuộc Vương quốc Phù Nam, thì lúc này đã hoàn toàn thuộc về quyền quản lý của chúa Nguyễn. Đồng thời, về cơ bản, công cuộc Nam tiến cũng đã kết thúc.
Đậm dấu ấn Quảng ở Nam Bộ
Công cuộc khẩn hoang đất Nam Bộ dưới sự tổ chức điều khiển của các chúa Nguyễn đã làm hồi sinh vùng đất hoang vu ngập nước ở phương Nam và đem lại sự hòa hợp dân tộc sâu rộng giữa Việt, Khmer, Chăm, Hoa… Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, các chúa Nguyễn đã biến vùng đất Nam Bộ thành ra ruộng đồng tươi tốt, xóm làng trù mật.
Tính đến giữa thế kỷ XVIII, trên vùng đất phía Nam của Thuận - Quảng đã hình thành ra 11 huyện và 1 châu với hàng trăm xã, thôn, phường, nậu và 69.338 dân đinh. Và trong công cuộc khai thác đất Nam Bộ dưới thời các chúa Nguyễn, vốn một thời dinh Quảng Nam (lúc bấy giờ bao gồm cả Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) đã đóng vai trò mang gươm và mang cày đi mở cõi, đã thể hiện tính chất chủ công, không chỉ làm bàn đạp cung cấp về sức người sức của cho công cuộc Nam tiến, mà còn làm nhiệm vụ dọn đường cho đại nghiệp của chúa Nguyễn ở miền Nam, trong khi các dinh khác của chúa Nguyễn đang bận phải lao vào cuộc chiến tranh chống Trịnh ở phía Bắc.
Đó là một sứ mệnh vô cùng vẻ vang mà lịch sử đã đặt lên vai của dinh Quảng Nam lúc bấy giờ. Chính quá trình lịch sử đó đã cắt nghĩa lý do nhiều tộc họ nổi tiếng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đang hiện hữu trên đất Nam Bộ, đó cũng chính là những tộc họ lâu đời và có tiếng tăm của đất Nam Bộ hiện nay, mà vốn đã từng tham gia đi "mở cõi".
Đạo thừa tuyên, rồi dinh, đến tỉnh
Đến khi triều Nguyễn ra đời vào đầu thế kỷ XIX và vua Gia Long đứng ra thống nhất đất nước thì dinh Quảng Nam lùi về tư cách của một đơn vị hành chính địa phương cao nhất ở trong nước, cùng với các dinh trấn khác. Địa bàn hành chính của tỉnh Quảng Nam chỉ còn lại từ đèo Hải Vân thuộc phía Bắc, tiếp giáp với Thừa Thiên phủ, và vào phía Nam đến Dốc Sỏi, tiếp giáp với tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1832, vua Minh Mạng hoàn thành việc cho đổi trấn và dinh thành đơn vị tỉnh. Quảng Nam trở thành một tỉnh, tiếp tục tồn tại trong suốt thế kỷ XIX và gần suốt cả thế kỷ XX.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-6
Kỳ tới: Đất anh hùng, người anh hùng
Bình luận (0)