Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng đô thị Tam Kỳ với quy mô diện tích và dân số như hiện nay thì đến năm 2030 vẫn không đạt tiêu chí về diện tích và dân số.
Vì vậy, tỉnh Quảng Nam đề nghị trung ương cho chủ trương thực hiện sáp nhập một số đơn vị cấp huyện liên vùng với TP Tam Kỳ để xây dựng đô thị Tam Kỳ bảo đảm tiêu chí đô thị loại I theo quy định.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị tỉnh Quảng Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đóng góp ý kiến cũng như theo dõi kết quả sửa đổi bổ sung nghị quyết sắp tới để có kiến nghị phù hợp.
Theo ông Trần Nam Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - ngày 4-5-2021, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng và phát triển đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Quảng Nam định hướng xây dựng, phát triển, mở rộng không gian đô thị Tam Kỳ về phía Nam và phía Tây, nhằm đáp ứng tiêu chí đô thị loại I và đủ sức trở thành vùng động lực trong phát triển của tỉnh và khu vực. Tam Kỳ được xác định phát triển theo hướng đô thị đặc thù với nền tảng xanh - văn hóa lịch sử - thông minh, gắn với bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2025, Tam Kỳ cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại I và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030; trở thành đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh.
Tam Kỳ được xác định phát triển theo hướng đô thị đặc thù với nền tảng xanh - văn hóa lịch sử - thông minh, gắn với bảo vệ môi trường Ảnh: CHI MAI
Hiện tại, Tam Kỳ có diện tích khoảng 93.000 km2, dân số khoảng 150.000 người trong khi theo tiêu chuẩn, quy mô dân số đô thị loại I trực thuộc tỉnh phải đạt từ 500.000 người trở lên. "Tất nhiên, với Tam Kỳ hiện tại thì có phấn đấu mấy chăng nữa cũng không đạt được đô thị loại I. Một trong những yêu cầu tất yếu là phải điều chỉnh địa giới hành chính" - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nói.
Theo ông Hưng, để xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại I, điều chỉnh địa giới hành chính chỉ là một trong những giải pháp. Ông cho rằng giải pháp căn cơ nhất là kêu gọi, xúc tiến đầu tư trên tất cả lĩnh vực gồm công nghiệp, thương mại - dịch vụ; kêu gọi đầu tư, phát triển các khu đô thị mới, thu hút dân số cơ học...
Cũng theo ông Hưng, Tam Kỳ đang xây dựng cơ chế đặc thù cho đô thị loại I, dự kiến trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại kỳ họp trong tháng 9 tới. Sau khi cơ chế đặc thù được thông qua, Quảng Nam sẽ dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển Tam Kỳ xứng tầm.
Bình luận (0)