Sáng 28-12, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Quảng Nam - 550 năm hình thành và phát triển" với sự tham dự của hơn 70 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021).
Tự hào về quá khứ để hướng tới tương lai
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết cách đây tròn 550 năm, năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam - đơn vị hành chính thứ 13 của nước Đại Việt, danh xưng Quảng Nam ra đời từ đây. Với sứ mệnh lịch sử thiêng liêng của mình, Quảng Nam luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", hàm chứa nhiều giá trị truyền thống lịch sử văn hóa, anh hùng cách mạng và cũng là quê hương của nhiều bậc chí sĩ yêu nước, những lãnh tụ cách mạng và nhân sĩ trí thức nổi tiếng.
"Nhìn lại chặng đường lịch sử 550 năm hình thành và phát triển, trong sâu thẳm mỗi người dân đất Quảng luôn tự hào và mãi mãi ghi ơn những thế hệ tiền nhân khai khẩn, bảo vệ, xây dựng và phát triển vùng đất Quảng Nam tươi đẹp như ngày nay. Đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và làm rõ nét hệ giá trị của vùng đất, con người Quảng Nam, về vai trò, vị trí, những đóng góp của Quảng Nam trong tiến trình phát triển của dân tộc trên các lĩnh vực. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển" - ông Lê Trí Thanh chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc chủ trì hội thảo
PGS-TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cho biết sách Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử cổ nhất của Việt Nam còn lại nguyên vẹn đến ngày nay, chép rõ: "Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam". Tên gọi Quảng Nam khi đó đã hàm chứa tầm nhìn sâu rộng của vị hoàng đế Đại Việt khát khao được mở rộng cương thổ về phương Nam. Kể từ đó cho đến nay, trong suốt 550 năm, con người và vùng đất Quảng Nam luôn hiện diện ở vị trí trang trọng trong những trang sử vàng của dân tộc Việt.
Vùng đất này phát triển phồn thịnh dưới thời các Chúa Nguyễn, với Dinh trấn Thanh Chiêm từng là căn cứ thủy quân hùng mạnh, đồng thời là nơi hình thành và phổ biến chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam. Thương cảng Hội An phát triển mạnh mẽ với sự quần tụ của người Việt, người Nhật, người Hoa, là điểm đến của nhiều thuyền buôn từ phương Đông, phương Tây.
Vào đầu thế kỷ XX, Quảng Nam lại nổi lên như là cái nôi của phong trào Duy Tân với tên tuổi lẫy lừng của tam kiệt: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, những chí sĩ yêu nước có nền tảng cựu học uyên bác, sớm khai mở tư tưởng canh tân, mở cửa, hội nhập và hiện đại hóa đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, Quảng Nam đang có những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, tạo động lực để thúc đẩy cải thiện các vấn đề xã hội, môi trường ngày càng bền vững. Cho đến nay, quy mô nền kinh tế Quảng Nam đang đứng thứ hai trong vùng trọng điểm miền Trung.
Nỗ lực trở thành tỉnh khá
GS sử học Lê Văn Lan đánh giá: "Chữ "Quảng" và chữ "Nam" ra đời cho đến bây giờ 550 năm nhưng nó không chỉ là kết tinh của thời gian 550 năm mà là hàng ngàn năm, hàng vạn năm nữa của nước Việt. Trong cả nước, chỉ có 4-5 tỉnh/miền đất có thuật ngữ "xứ" gồm xứ Lạng, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng. Tất cả những gì đã gói lại trong chữ "xứ", gắn liền với chữ Quảng của Quảng Nam có trọng lượng rất lớn, như là sự dồn nén của lịch sử, sự kết tinh của những phẩm chất đẹp đẽ, tinh hoa, sự kiên cường, kiên trì, dũng cảm, sáng tạo trong đấu tranh, trong gìn giữ cõi bờ và phát triển. Bấy nhiêu những điều cao quý, tốt đẹp đó hội tụ vào hai chữ Quảng Nam khiến cho vùng đất này có một vị thế rất đặc biệt. Do đó, người ta có quyền hy vọng, tin tưởng về vai trò, vị thế, đóng góp của Quảng Nam cho sự phát triển của đất nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận liên quan đến 4 nội dung gồm lịch sử - khảo cổ; dân tộc - tôn giáo; văn hóa - ngôn ngữ, phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua và hướng phát triển trong tương lai của Quảng Nam. Đặc biệt, ở nội dung lịch sử, một số đại biểu làm rõ đóng góp của những dòng họ vào quá trình mở cõi của người Việt, định hình bản sắc Việt Nam qua bảo tồn giá trị dòng họ, làng xã…
Về phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu đều đánh giá cao sự phát triển của tỉnh Quảng Nam trong những năm qua, từ đó đề xuất giải pháp khai thác các nguồn lực nội tại của tỉnh để phục vụ phát triển như du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo, gợi mở giải pháp thu hút FDI thế hệ mới…
Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam - nhấn mạnh: "Còn vài ngày nữa là kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997-2022). 1/4 thế kỷ từ ngày chia tách tỉnh đến nay, với biết bao trăn trở, khó khăn và thử thách nhưng với tinh thần trách nhiệm, sự tự hào của vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử, cùng với sự hỗ trợ của trung ương, sự phối hợp của các tỉnh - thành trong cả nước…, Quảng Nam đã đạt những thành tựu hết sức quan trọng". Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ngành của tỉnh phải nghiên cứu kỹ các ý kiến đề xuất, những kinh nghiệm hết sức quý báu, tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại hội thảo để đề ra những giải pháp bài bản, tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử, ý chí, bản lĩnh kiên cường, tinh thần cách mạng, khát vọng vươn lên của vùng đất và con người Quảng, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Bình luận (0)