Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và cơ quan liên quan lập tổ công tác do một thứ trưởng Bộ TN-MT làm tổ trưởng và một thứ trưởng Bộ NN-PTNT tham gia tổ, phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam rà soát, thống kê, đánh giá cụ thể diện tích rừng phòng hộ ven biển cần điều chỉnh quy hoạch. Qua đó, đề xuất phương án xử lý kiến nghị của tỉnh.
Thủ tướng cũng đồng ý và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trồng, bảo vệ, phát triển rừng vùng ven biển; giao Bộ NN-PTNT hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định hiện hành.
Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết rừng phòng hộ ven biển phía Đông tỉnh Quảng Nam có diện tích 3.636 ha. Trong đó, diện tích có rừng 2.875 ha và 761 ha đất trống, ngập nước theo mùa. Đa số diện tích rừng này được trồng từ những năm 1990, không phải rừng tự nhiên. Thời điểm đó, khu vực này là đất cát, không có hạ tầng, thuộc các xã đặc biệt khó khăn ven biển, chất lượng cây trồng rất thấp, đa số là keo, phi lao còi cọc. Năm 2020, mưa bão khiến 292 ha rừng ngã đổ. Hiện diện tích có rừng trên thực tế là 2.583 ha.
Hiện trạng rừng ven biển đang được tỉnh Quảng Nam xin điều chỉnh
Theo ông Thanh, hiện hạ tầng giao thông vùng Đông của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu Kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án tại Khu Kinh tế mở Chu Lai và vùng Đông nói chung gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng và trồng rừng thay thế. Mặt khác, do đặc điểm lịch sử quản lý đất đai trên địa bàn và các quy định hiện hành nên công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, là trở ngại rất lớn trong quá trình phát triển.
Vì vậy, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Nam từ 3.636 ha xuống còn 2.000 ha, trên cơ sở phù hợp hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay tại khu vực này. Đồng thời, sắp xếp lại, trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại quyết định vào năm 2018 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai (dọc các tuyến đường, bao quanh các khu chức năng, khu dân cư).
Quảng Nam cũng kiến nghị cho phép thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư thông qua giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực này nhằm bảo đảm việc trồng, chăm sóc, quản lý thường xuyên kết hợp phát triển kinh tế với chức năng phòng chống thiên tai. Các loại cây trồng vừa có chức năng phòng hộ vừa cảnh quan để tạo mỹ quan đô thị.
Bình luận (0)