Chiều 3-4, ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Quảng Trị, cho biết đơn vị này vừa lấy mẫu cá chết dọc bờ biển các xã Triệu An, Triệu Vân (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) gửi đến Trung tâm Kiểm nghiệm hóa - mỹ phẩm Thừa Thiên - Huế để kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm sau khi nhận được chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN-PTNT) tỉnh này.
Bất thường!
Trước đó, trong 2 ngày 30 và 31-3, nhiều người dân ở các xã Triệu An, Triệu Vân và Gio Hải (huyện Gio Linh) rất lo lắng khi phát hiện rất nhiều cá biển chết hoặc đang trong tình trạng ngất ngư trôi dạt vào bờ.
Ngư dân Lê Văn Lợi (40 tuổi; ngụ thôn Hà Tây, xã Triệu An) cho biết khoảng 8 giờ ngày 30-3, ông cùng nhiều ngư dân khác rất lo lắng không hiểu vì sao rất nhiều loại cá bị chết hoặc ngất ngư trôi dạt vào bờ biển của thôn. Tình trạng này kéo dài cho đến ngày 2-4. "Cá chết trải dài hàng cây số theo dọc bờ biển. Người dân vội báo chính quyền, UBND xã Triệu An đã cử cán bộ xuống kiểm tra" - ông Lợi kể.
Đến trưa 3-4, cá chết vẫn còn dạt vào bờ biển ở nhiều địa phương của tỉnh Quảng Trị
Trưa 3-4, có mặt tại bờ biển thôn Hà Tây, theo quan sát của chúng tôi, có rất nhiều xác cá chết bất thường tấp vào bờ. Hầu hết các loài cá bị chết dạt vào bờ là cá sinh sống tầng giữa như: cá lẹp, cá trích, cá mòi, cá đù…
Ngoài bờ biển thôn Hà Tây, tình trạng cá chết tấp vào bờ còn xuất hiện ở thôn 8 (xã Triệu Vân) và từ thôn 5 đến thôn Diêm Hà (xã Gio Hải). Trong đó, riêng 2 thôn của xã Triệu An, Triệu Vân cơ quan chức năng ghi nhận có khoảng 35 kg cá lẹp, mòi bị chết, trôi vào bờ.
Với kinh nghiệm hàng chục năm đi biển, ông Lợi cho rằng nguyên nhân khiến cá chết là do có người đánh bộc phá (mìn) ở ngoài khơi nhưng vớt không hết nên số cá còn lại bị sóng cuốn dạt vào bờ.
Lưới thủng?
Trước tình trạng này, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh. Theo báo cáo, nguyên nhân ban đầu khiến cá chết trôi dạt vào khu vực xã Triệu An, Triệu Vân vào ngày 30-3 xuất phát từ một số tàu đánh bắt bằng lưới rùng gần bờ. Dưới sức ép lớn của cá và nước nên lưới bị rách, một số cá chết dạt ra ngoài trôi vào bờ. Ngoài ra, một số tàu cá của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An khai thác nghề lưới chụp gần bờ có sử dụng bộc phá, vớt không hết cá.
Theo báo cáo của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt - Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, một trong những nguyên nhân cá chết trôi dọc bờ biển từ thôn 5 đến thôn Diêm Hà vào ngày 31-3 là từ tàu đánh bắt cách bãi ngang thị trấn Cửa Việt khoảng 2 km. Tàu này đánh lưới trúng 8 tấn cá lẹp, cá mòi nhưng thu gom không hết nên một số cá chết nổi lên bị sóng tấp vào bờ.
Cùng với việc chỉ đạo đơn vị liên quan gửi mẫu cá chết kiểm tra, xét nghiệm, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị thanh- kiểm tra và xử lý nghiêm các tàu cá khai thác không đúng vùng, đúng tuyến. Đặc biệt là các tàu hành nghề bị cấm như giã cào, dùng bộc phá khai thác tận diệt thủy hải sản trên vùng biển Quảng Trị.
Cá không sống nổi ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM ngày 3-4 đã ký văn bản khẩn gửi UBND TP báo cáo tình trạng ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Văn bản nêu trong ngày 1 và 2-4, trên toàn bộ tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có hiện tượng cá ngoi lên và chết rải rác (ước tính vài chục đến vài trăm ký). Khu vực từ cầu số 1 đến cầu số 5 xuất hiện rác, mảng bùn đen, bọt khí... Nguyên nhân là do mưa lớn xảy ra vào ngày 31-3 mang theo rác từ khu dân cư cộng với nước, bùn từ các tuyến cống đổ vào kênh gây ô nhiễm. Đặc biệt, tại khu vực cầu số 1, mưa lớn cuốn theo nhiều rác, tích tụ gây tắc nghẽn dòng chảy làm khu vực này nước tù đọng, ô nhiễm cục bộ.
Bình luận (0)