Tình trạng quá tải công việc đang là vấn đề đau đầu ở nhiều phường, xã đông dân trên địa bàn TP HCM. Điển hình là xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh có khoảng 160.000 dân nhưng chỉ có 36 cán bộ, công chức (CBCC), trung bình mỗi CBCC làm việc tại đây phải phụ trách hơn 4.000 dân.
Có lúc kiệt sức
"Cũng là xã loại 1 nhưng có xã 28.000- 30.000 dân, còn Vĩnh Lộc B là xã loại 1 nhưng lại có đến 160.000 dân. Dù đông dân hay ít dân thì cũng chỉ được bố trí 36 nhân sự làm việc. Đây là điều chưa hợp lý. Hơn nữa, xã Vĩnh Lộc B là địa bàn nóng về đất đai, xây dựng. Nếu không kịp thời phát hiện, cán bộ sẽ gánh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, còn người dân thì thiệt hại vì bị cưỡng chế, tháo dỡ. Trong khi đó, lượng công việc quá nhiều, CBCC có lúc không thể bao quát hết được. Từ đó mà bị kiểm điểm, kỷ luật thường xuyên" - bà Trần Thị Thái Nguyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, dẫn chứng.
Tại xã Vĩnh Lộc A, theo Chủ tịch UBND xã Lại Thị Bích Trâm, tổng biên chế được giao của xã trong năm 2022 là 36 người nhưng thực tế đang khuyết 1 nhân sự, 1 nhân sự đã nghỉ việc cách đây 2 tháng. Xã hiện có hơn 167.000 dân, trung bình mỗi CBCC xã phụ trách 5.000 dân và làm từ 3 - 4 đầu việc nên ngày làm việc thường kết thúc vào khoảng 20 giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Nói về việc mỗi năm có 5 - 6 CBCC xin nghỉ việc do thu nhập thấp, không đủ sức khỏe, áp lực công việc…, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), cho biết phường có 107.000 dân, trong đó khoảng 60% là người nhập cư và có tới 8.000 doanh nghiệp với hộ kinh doanh. Đây là địa bàn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên hồ sơ liên quan đất đai, xây dựng, mua bán chuyển nhượng… rất lớn. Vì vậy, công việc thường xuyên tại phường bị quá tải ở lĩnh vực hộ tịch - tư pháp, địa chính, kinh tế… Trong 6 tháng đầu năm 2022, riêng bộ phận hộ tịch - tư pháp có khoảng 20.000 hồ sơ liên quan sao y chứng thực, đăng ký kết hôn, xác nhận độc thân, khai sinh, khai tử…
Phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cũng đau đầu vì CBCC, cán bộ không chuyên trách phải đảm nhận nhiều công việc, thậm chí kiêm nhiệm các chức danh khác nhau. Lấy ví dụ điển hình tại bộ phận một cửa của phường, ông Phạm Hoàng Khanh, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết dù phường đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 để người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà, khai thác hiệu quả ứng dụng "Bình Tân công dân số"… nhưng người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính quá đông nên vẫn phải mất khá nhiều thời gian chờ đợi để được tư vấn, giải quyết.
Tương tự, phường Bình Hưng Hòa A có hơn 125.000 dân với 27 khu phố nhưng số CBCC chỉ 21 người, cán bộ không chuyên trách 14 người. Năm 2021, 35 cán bộ phải giải quyết trên 113.000 hồ sơ, chưa kể còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do lãnh đạo phường phân công.
Là địa phương có diện tích và dân số lớn nhất huyện Cần Giờ với khoảng 5.327 hộ dân, 22.078 nhân khẩu, ông Võ Thanh Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khánh, cho biết CBCC xã Bình Khánh cũng bị "áp lực công việc ghê gớm, có lúc kiệt sức" vì mỗi người phải kiêm 5 - 7 đầu việc. Ví dụ cán bộ phụ trách kinh tế phải kiêm thêm lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, môi trường, giải phóng mặt bằng… "Chúng tôi phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ" - ông Thảo nói.
Người dân đến làm thủ tục giấy tờ ở UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: LÊ VĨNH
Cần bố trí cán bộ, công chức phù hợp với thực tế
Theo ông Phạm Hoàng Khanh, không chỉ phường Bình Hưng Hòa B mà tất cả các phường, xã đông dân trên địa bàn TP HCM đều cần có cơ chế riêng. Cụ thể, với đơn vị hành chính loại 1, số lượng CBCC cấp xã, phường là 23 người/phường theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ; với phường, xã có trên 50.000 dân thì cứ thêm 10.000 dân, bổ sung 1 CBCC.
Nhận định thực tế có rất nhiều CBCC phải làm việc đến 19 - 20 giờ, có cán bộ phải đón con về trụ sở để tiếp tục làm việc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, điều chỉnh việc bố trí CBCC cho các phường phù hợp với tình hình thực tế, trong đó quy mô dân số là yếu tố hàng đầu, sau đó là diện tích, điều kiện kinh tế - xã hội… trên cơ sở "bù qua sớt lại".
Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, cũng cho rằng trên cơ sở quy mô dân số của phường, kiến nghị thành phố đề xuất Chính phủ cho phép bố trí thêm CBCC và cán bộ không chuyên trách. Ngoài ra, nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, kiến nghị thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND về chi thu nhập tăng thêm.
Đồng quan điểm, ông Hồ Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND phường Trường Thạnh, TP Thủ Đức, đề xuất trung ương tạo cơ chế để TP HCM chủ động trong việc phân bổ CBCC theo quy mô dân số; phường, xã đông dân thì nhiều CBCC và ngược lại; bố trí theo vị trí việc làm, mảng nào nhiều việc thì bố trí nhiều người. "Hiện nay thu nhập của CBCC tương đối ổn nhờ được chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết của HĐND thành phố. Nhưng cái khó của địa phương là việc hỗ trợ thu nhập cho cán bộ không chuyên trách. Họ làm việc nhiều nhưng phụ cấp thấp, nếu thành phố thông qua chính sách hỗ trợ thêm thì sẽ cải thiện thu nhập, giúp cán bộ yên tâm công tác" - ông Tùng nói.
Nhiều công đoạn chưa thể áp dụng công nghệ
Theo ông Trương Công Dũng, CBCC tư pháp - hộ tịch phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, dù nhiều đầu việc nhưng vướng mắc quy định của pháp luật, một số công đoạn chưa thể áp dụng công nghệ để giải quyết nhanh hơn.
"Viết sổ bộ hộ tịch hiện luật quy định phải viết tay, trong 1 năm đã viết gần 20 cuốn, mỗi cuốn 200 trang, trong khi cơ sở dữ liệu quốc gia số hóa hộ tịch đã đầy đủ, điều này gây tốn thời gian, góp phần tăng áp lực cho CBCC" - ông Dũng dẫn chứng.
Cán bộ nhiều việc, dân dài cổ chờ
Sáng 8-7, chúng tôi đến UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Anh Nguyễn Văn Thành (ngụ phường Bình Hưng Hòa B) cho biết để làm giấy cho con vào lớp 1, anh đã đợi gần 1 giờ nhưng vẫn chưa đến lượt. "Đông người nhưng chỉ có một cán bộ xử lý, họ làm chẳng ngơi tay mà vẫn chưa có, mình chỉ còn biết đợi thôi chứ sao giờ? Có điều sốt ruột lắm vì chỉ xin phép vô làm trễ một chút thôi" - anh Thành nói.
Còn tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, lúc 9 giờ 30 phút cùng ngày, khu vực người dân ngồi chờ làm thủ tục đông kín. Quày quả ra về, chị Trần Thị Thoa (ngụ phường Bình Hưng Hòa A) cho biết để xác nhận giấy ủy quyền, chị phải mất hơn 1 giờ chờ đợi. "8 giờ 30 phút là nơi đây đã kín chỗ, cán bộ chạy ra chạy vào như con thoi mà dân vẫn phải chờ lâu vì chỉ có một người vừa nhận vừa trả hồ sơ. Anh đi trễ như vậy, không chừng mai phải quay lại sớm" - chị Thoa cảnh báo.
Ở khu vực ngồi chờ tại UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chị Nguyễn Kim Trang (41 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) cứ nhấp nhổm, liên tục nhìn về phía quầy thủ tục với ánh mắt mong ngóng. "Tôi đến đây từ sớm để công chứng một số giấy tờ làm hồ sơ xin việc nhưng mới hơn 8 giờ, số thứ tự của tôi đã là 38. Người dân đến làm thủ tục đông mà chỉ có vài cán bộ tiếp nhận nên tốc độ giải quyết hồ sơ rất chậm. Hôm qua, tôi đã đến đây, đông quá nên hồ sơ chưa được giải quyết. Hôm nay, tôi quay lại thật sớm để làm cho xong mà vẫn phải đợi" - chị Trang ngao ngán kể.
Với số thứ tự 19, anh Nguyễn Viết Hiểu (41 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) cũng mất hơn 90 phút để công chứng xong các loại giấy tờ làm hồ sơ vào lớp 1 cho con. "Xã này đông dân nhưng số lượng cán bộ ít quá nên có muốn cũng không nhanh được. Có công chuyện cần nên phải chịu thôi" - anh Hiểu thở dài.
Có mặt rất sớm tại UBND xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ để làm giấy xác nhận độc thân nhưng đến trưa, bà Trần Thị Kim Cúc (ngụ ấp 1, xã Bình Khánh) mới làm xong thủ tục. "Có đi làm giấy tờ mới thấy cán bộ giờ ai cũng nhiều việc. Nhìn họ tất bật thấy thương nên cũng không nỡ trách móc, ráng chờ một chút. Nếu hôm nay làm không xong thì mai lên làm tiếp vậy. Chỉ tội cho mấy người bận công ăn chuyện làm, không có thời gian chờ" - bà Cúc nói.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-7
Bình luận (0)