xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO (*): Ai cũng nóng lòng!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Không chỉ người dân, chính quyền địa phương cũng đang nóng lòng muốn giải quyết dứt điểm những dự án đã kéo dài hàng chục năm mà chưa triển khai ở TP HCM

Liên quan đến dự án ga Bình Triệu bị "treo", ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP HCM), nhấn mạnh dự án này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. Chính quyền địa phương trước đây là quận Thủ Đức và bây giờ là TP Thủ Đức đã ghi nhận ý kiến người dân và nhiều lần kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lên các cấp thẩm quyền.

Địa phương cũng đang ngồi trên... lửa

"Dự án ga Bình Triệu thuộc quy hoạch phát triển của ngành đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Vì vậy, địa phương đã kiến nghị lên thành phố và lãnh đạo TP HCM cũng đã kiến nghị Bộ GTVT. Bộ GTVT cũng đã có nhiều buổi làm việc với UBND TP về phát triển giao thông trên địa bàn và trong những buổi làm việc, lãnh đạo TP HCM, lãnh đạo TP Thủ Đức cũng thúc Bộ GTVT và bộ này cũng hứa xem xét. Thế nhưng đến nay, Bộ GTVT cũng chưa có ý kiến chính thức có điều chỉnh quy hoạch hay không" - ông Nguyễn Hữu Anh Tứ thông tin. Ông nói chính quyền địa phương cũng nóng lòng muốn giải quyết dứt điểm dự án như người dân.

Trong khi đó, theo UBND quận Bình Thạnh, năm 1992 dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP HCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TP HCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 chính quyền TP HCM đã thu hồi quyết định. Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TP HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh.

QUAY QUẮT VỚI QUY HOẠCH TREO (*): Ai cũng nóng lòng! - Ảnh 1.

Không chỉ người dân mà lãnh đạo quận Bình Thạnh, TP HCM cũng đang nóng lòng chờ dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa triển khai thực hiện Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai - Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư - Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án. Đến nay, TP HCM vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư. "Cũng như người dân, chúng tôi đang nóng lòng chờ dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm hay Văn Thánh sớm triển khai để người dân cũng như địa phương có thêm điều kiện phát triển" - một lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh bày tỏ.

Trước những bức xúc kéo dài nhiều năm nay của người dân ở dự án Công viên Sài Gòn Safari, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết huyện kiến nghị UBND TP HCM chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy hoạch dự án Công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao. "Việc chuyển đổi công năng nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn huyện, bởi dự án Công viên Sài Gòn Safari kêu gọi đầu tư hơn 15 năm nay nhưng chưa nhà đầu tư nào thực hiện" - ông Nguyễn Thanh Phong nói.

Ông chia sẻ thêm đã có vài nhà đầu tư đến nhưng đánh giá không hiệu quả nên bỏ đi hoặc đề nghị thực hiện kết hợp dự án sân golf nhưng thành phố không đồng ý. "Dự án có diện tích 456,8 ha đi qua địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, cấp phép từ năm 2004 nhưng hơn 15 năm nay chưa thực hiện được dù UBND TP kêu gọi đầu tư. Dư án chậm thực hiện khiến người dân có đất đã đền bù hoặc chưa nhận đền bù rất bức xúc, còn chính quyền thì ít nhiều mất đi cơ hội phát triển kinh tế - xã hội…" - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi nhấn mạnh.

Liên quan đến dự án khu đô thị Tây Bắc, theo UBND huyện Củ Chi và Hóc Môn, mới đây UBND TP HCM có văn bản kiến nghị Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch để dễ thu hút đầu tư, thực hiện quy hoạch và phát triển đô thị. "Hy vọng mọi việc suông sẻ để dự án có điều kiện triển khai" - lãnh đạo UBND huyện Củ Chi kỳ vọng.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND TP HCM nói gì?

Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, việc điều chỉnh quy hoạch dự án khu đô thị Tây Bắc là phù hợp với quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. "Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Sở QH-KT sẽ hướng dẫn Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc hoàn tất các thủ tục pháp lý, bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ và trình đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5.000 để UBND TP HCM phê duyệt rồi bắt tay vào thực hiện ngay" - vị đại diện Sở QH-KT TP HCM nhấn mạnh.

Nếu được chấp thuận, khu đô thị Tây Bắc sẽ giảm diện tích hơn 1.674 ha (diện tích này là khu dân cư hiện hữu, đông người dân sinh sống). Như vậy, quy mô của khu đô thị mới Tây Bắc sẽ còn 4.410 ha. Đồng thời, UBND TP HCM đề nghị tăng chỉ tiêu dân số tại khu đô thị này từ 300.000 người theo quy hoạch cũ lên 600.000 người để bảo đảm tiêu chí dân số của đô thị theo quy định hiện hành. Song song đó, giảm quy mô khu đào tạo đại học còn 150 ha thay vì 300 ha như quy hoạch hiện hành nhưng vẫn giữ nguyên quy mô đào tạo nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong đào tạo nhằm dễ dàng thu hút nhà đầu tư.

Liên quan đến dự án ga Bình Triệu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết UBND thành phố đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và kiến nghị sớm triển khai dự án này trong giai đoạn 2021-2025 và Bộ GTVT đang xem xét. Cụ thể, UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan xem xét cơ chế triển khai thực hiện công tác bồi thường, tái định cư đối với các tổ chức, cá nhân nằm trong ranh quy hoạch ga Bình Triệu trong giai đoạn 2021 - 2025 để sớm ổn định đời sống của người dân cũng như xúc tiến kế hoạch đầu tư triển khai xây dựng ga Bình Triệu theo quy hoạch.

Khi đề cập việc UBND TP HCM có tiếp tục lựa chọn Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa hay không, ông Lê Hòa Bình cho hay vấn đề này phải báo cáo Thường trực Thành ủy TP HCM cho ý kiến. "Hiện quận Bình Thạnh đang điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa" - ông Lê Hòa Bình cho hay. Theo đó, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu ở khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa lần này sẽ tận dụng quỹ đất do các hợp tác xã đang quản lý sử dụng (khoảng 109 ha, nằm rải rác trên toàn phường) để có thể đáp ứng nhu cầu tái định cư tại chỗ, phù hợp với mô hình nhà ở trong tương lai. Bởi theo thống kê, đến cuối năm 2020, dân số phường 28 là gần 17.000 người, tăng hơn 3.400 người so với quy hoạch phân khu được duyệt năm 2015, trong đó tổng số hộ là hơn 5.000 hộ.

Khẩn trương tạo điều kiện cho dân

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc người dân trong khu vực dự án treo gặp nhiều khó khăn trong xây dựng nhà, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân cho biết UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát lại việc cấp phép xây dựng cho người dân ở khu vực quy hoạch treo, dự án treo.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, sau khi hoàn thành rà soát, UBND thành phố sẽ công bố việc nào được giải quyết cấp phép xây dựng khu vực nào không. "Tất cả phụ thuộc vào văn bản quy định pháp luật chứ không giải quyết theo cảm tính. Tuy nhiên với vai trò của Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ có những rà soát và tham mưu cho UBND thành phố về cấp phép xây dựng để giải quyết khó khăn cho người dân, nhất là khu quy hoạch treo" - ông Trần Hoàng Quân nói.

Phải làm một cách bài bản và kiên quyết

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho rằng thành phố nên tổ chức thi tuyển ý tưởng đầu tư phát triển cho Bình Quới - Thanh Đa, trong đó bao gồm mục tiêu phát triển, mục tiêu cần bảo đảm, phương thức huy động vốn và trên cơ sở đó làm quy hoạch sau này. Thậm chí, đơn vị thi tuyển có sáng kiến hay, hiệu quả có thể tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. "Bắt nhà đầu tư theo ý tưởng quy hoạch của mình thì họ cứ ngó qua ngó lại. Bây giờ thi lựa chọn ý tưởng, nếu ý tưởng phù hợp mục tiêu của thành phố thì chấp nhận. Việc này dễ hơn là họ chấp nhận ý tưởng của thành phố. Nhà đầu tư nhắm vào lợi nhuận, nếu lợi nhuận không có thì họ không đầu tư dự án" - TS Võ Kim Cương nói.

Đối với ga Bình Triệu, TS Võ Kim Cương cho rằng Bộ GTVT phải nhìn nhận đây là ga quan trọng của đường sắt quốc gia và nếu quyết tâm làm thì nên dồn sức, chứ không thể "treo" như hiện nay. Bộ phải tính toán lại mục tiêu đầu tư, phân bổ, huy động nguồn lực cho hợp lý, vì vấn đề ở đây là cân đối nguồn lực chứ không phải không có nguồn lực cho dự án ga Bình Triệu.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-1

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo