Có thể trong mắt vị cục trưởng này 4,5 tỉ đồng là không lớn, xin được bằng một công văn, nhưng với người dân, số tiền trên rất lớn, mua được hơn 300 tấn gạo. Sở dĩ quy ra gạo trong câu chuyện trên bởi nhiều năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục xin trung ương cấp gạo cứu đói cho người dân tỉnh này. Cụ thể, vào tháng 7-2018, xin cấp hơn 50.000 tấn gạo cho người nghèo 4 huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân. Tháng 11-2018, trung ương cấp tiếp khoảng 2.400 tấn gạo cho Thanh Hóa cứu đói người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Trước đó, tháng 1-2018, tỉnh này cũng xin cấp 300 tấn gạo cho người nghèo; tháng 1-2017, xin cấp 600 tấn gạo cho người khó khăn trong dịp Tết...
Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh có số hộ nghèo đông nhất nước, với hơn 100.000 hộ. Thế nhưng, tỉnh chơi nổi cũng không thua ai. Cách đây không lâu, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đề xuất tổ chức lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa với kinh phí lên đến 104 tỉ đồng. Sau khi dư luận lên án gay gắt, UBND tỉnh đã bác chứ không thì khoản kinh phí khổng lồ lại đổ ra trong khi còn bao việc cần kíp phải làm cho dân lại thiếu tiền.
Năm 2018, Thanh Hóa thu ngân sách được hơn 23.000 tỉ đồng. Thế nhưng, tỉnh này chi cũng ngút trời nên phải cần trung ương cấp 14.000 tỉ đồng. Câu chuyện xin ngân sách trung ương hết năm này sang năm nọ ở Thanh Hóa và nhiều địa phương khác nên xem là chuyện cần vượt qua, bứt tốp nhanh chừng nào tốt chừng đó, tỉnh mới giàu mạnh, dân mới có cuộc sống tốt đẹp hơn lên.
Trong khi tình hình kinh tế chưa sung túc, dân còn nghèo khó nhưng bệnh chạy theo thành tích thì cứ tồn tại ở nhiều tỉnh, thành. Việc hàng loạt tỉnh vừa tổ chức bắn pháo hoa vừa xin gạo cứu đói cho dân trong dịp Tết càng cho thấy nghịch lý xót xa này. Ngay trong dịp Tết sắp tới, tỉnh Quảng Trị đang xin cấp 600 tấn gạo và... chuẩn bị kế hoạch bắn pháo hoa trong khi toàn tỉnh có hơn 16.700 hộ nghèo (chiếm gần 10% số hộ của tỉnh). Lãnh đạo tỉnh này khoe "thành tích" năm 2018 đã kêu gọi, huy động được 15 tỉ đồng lo cho người nghèo. Đáng lý ra dân còn nghèo thì "công bộc" phải nhìn lại mình đã hoàn thành nhiệm vụ chưa thay vì nêu công trạng. Việc trọng đại cần thiết là làm sao để người dân không còn nghèo khó chứ không phải đến hẹn lại xin tiền, xin gạo hỗ trợ.
Thật đáng buồn khi không ít địa phương báo cáo về những yếu kém thì mơ hồ, chung chung và không nêu cụ thể trách nhiệm cá nhân, tập thể của bộ máy quản lý. Còn nói về thành tích thì khoa trương, phóng đại. Kinh tế địa phương thì ì ạch nhưng chi phí công luôn năm sau cao hơn năm trước, lại còn trả lương cho cả bộ máy hành chính cồng kềnh nhiều tầng nấc thì không nghèo mới lạ!
Thành tích tốt nhất, sinh động nhất của cán bộ nhà nước chính là cuộc sống của người dân. Dân sống ấm no, sung túc thì chẳng cần báo cáo cũng có thể thấy được và chính người dân sẽ tôn vinh "công bộc" của mình.
Bình luận (0)