Chiều 23-6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết về việc có ý kiến đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW (Quy định 96). UBTVQH tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý khoản 2 điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Về việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên, qua thảo luận, có ý kiến tán thành với dự thảo Nghị quyết và đề nghị bổ sung trường hợp nghỉ điều hành công tác từ 6 tháng trở lên vì lý do khác (không phải là vì lý do sức khỏe).
Ngược lại, một số ý kiến đề nghị cần bám sát Quy định 96 về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm chặt chẽ, tránh bị lạm dụng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉnh lý quy định tại khoản 5 điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng không lấy phiếu tín nhiệm đối với người đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
UBTVQH cũng chỉnh lý điều 12 của dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định cả hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm có ý nghĩa tích cực của công tác lấy phiếu tín nhiệm và hệ quả liên quan đến việc xử lý cán bộ có tín nhiệm thấp khi lấy phiếu tín nhiệm, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định tại khoản 1 điều 3 của dự thảo Nghị quyết và Quy định 96.
Về cơ chế xin từ chức, UBTVQH cho rằng các quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 12 của dự thảo Nghị quyết đã thể hiện nhất quán và đầy đủ tinh thần của Quy định 96 về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm và yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết này không quy định quá chi tiết tất cả các trường hợp về xử lý hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm cũng như thời hạn để người được lấy phiếu tín nhiệm xin từ chức mà nội dung này sẽ thực hiện theo các quy định khác có liên quan của Đảng và Nhà nước (Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Luật Cán bộ, công chức, các luật về tổ chức bộ máy...).
Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm (điều 17), UBTVQH cho biết theo quy định của dự thảo Nghị quyết thì phiếu tín nhiệm (đối với trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm) có 2 mức độ là "tín nhiệm" và "không tín nhiệm".
Vì vậy, nếu kết quả bỏ phiếu tín nhiệm chưa có đủ quá nửa tổng số phiếu đánh giá "không tín nhiệm" đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm (đồng nghĩa với việc người đó vẫn được Quốc hội, HĐND "tín nhiệm" giữ chức vụ) thì không áp dụng hệ quả quy định tại điều 17 của dự thảo Nghị quyết. Trong quá trình đánh giá, thực hiện công tác cán bộ, cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ sẽ xem xét, có phương án bố trí phù hợp.
Không lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND xã, phường
Có ý kiến đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 96. UBTVQH tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý khoản 2 điều 2 của dự thảo Nghị quyết theo hướng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Bình luận (0)