Chiều 12-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành về tạo nguồn cải cách tiền lương. Trong đó, thực hiện loại trừ một số khoản thu theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 86/2019/NQ14 của Quốc hội khi tính số tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2020 và dự toán năm 2021 dành để cải cách tiền lương. Đồng thời, loại trừ thêm khoản thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Ông Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về Dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 - Ảnh: Nguyễn Nam
Đối với những địa phương đã có cam kết đảm bảo nhu cầu cải cách tiền lương và chính sách an sinh xã hội đến hết năm 2020, trường hợp dự toán năm 2021 thiếu nguồn, sẽ được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu để thực hiện chính sách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo các chế độ quy định.
Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14.
Trước đó, trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước năm 2021 khó khăn, Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.
Tại kỳ họp này, một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị điều chỉnh lương hưu đối với người nghỉ hưu trước năm 1993. Báo cáo thẩm tra về nội dung này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết đúng như ý kiến các ĐBQH đã nêu, do vẫn còn tồn tại những bất hợp lý về chính sách tiền lương, nên việc sớm có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho đối tượng này là cần thiết, song cần có tổng kết về số lượng, phạm vi, mức hỗ trợ để xây dựng dự kiến kinh phí bố trí cũng như bảo đảm chính sách hỗ trợ lâu dài, phù hợp với khả năng ngân sách Nhà nước.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có tổng kết, đánh giá và xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, báo cáo Quốc hội theo hướng ưu tiên hơn cho đối tượng này trong thời gian tới.
Bình luận (0)