Theo ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH), Trợ lý Chủ tịch QH - kỳ họp thứ 4 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 20-10. Theo dự kiến, QH sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (bế mạc vào ngày 15-11).
Quyết định công tác nhân sự
Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Theo ông Phạm Thái Hà, QH sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua các nội dung: Xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023. QH tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu; xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022. QH cũng xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021"; xem xét, quyết định công tác nhân sự….
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri TP Hà Nội trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XVẢnh: Viết Thành
Tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp
Chính phủ vừa báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 gửi QH, phục vụ kỳ họp thứ 4. Về kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đến nay có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập; 4.934 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập.
Qua xác minh, có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý. Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết năm 2022 có 19 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người, khiển trách 3 người). Trong kỳ báo cáo, các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 687 vụ án, 1.439 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó án khởi tố mới 436 vụ và 929 bị can. Chính phủ nhận định: Hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp.
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan; khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan… Dù vậy, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực.
Trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, quản lý thuế...; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, "tham nhũng vặt", gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, khắc phục triệt để tình trạng cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tiến hành thanh tra, kiểm toán nhưng không phát hiện vi phạm, sau đó cơ quan có thẩm quyền khác lại phát hiện có vụ việc vi phạm về cùng một nội dung.
Tránh tham nhũng trong việc giao đất
Theo đại biểu QH Trần Văn Khải - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH - tại kỳ họp thứ 4, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được QH cho ý kiến lần đầu, cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023).
Về giao đất, cho thuê đất, đề nghị cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ hơn lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với một số trường hợp. Những vấn đề này cần phải được lý giải hết sức tường minh, tránh tiêu cực, tham nhũng trong việc giao đất, cho thuê đất.
Bình luận (0)