Bắt quỳ là một trong những hình thức trừng phạt phổ biến trong giáo dục ở nước ta, từ thời phong kiến với mô hình "ông đồ" đã có. Về sau, xã hội tiến bộ song vẫn còn những hình phạt như úp mặt vào tường, thụt dầu, chép phạt và quỳ gối... Nhiều người thầy xem đó là cách răn đe học sinh, nhất là học sinh cá biệt. Nhưng đại đa số phụ huynh và học sinh thì không chấp nhận. Chính ngành giáo dục cũng đã có quy định nghiêm cấm giáo viên áp dụng các biện pháp trừng phạt về tinh thần hay thể chất đối với học sinh vì phản cảm, phản giáo dục.
Cấm là đúng, không chỉ vì mục đích giáo dục mà còn thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, trong đó nhà sư phạm phải đi tiên phong trong việc chấp hành pháp luật. Cụ thể: điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: "Trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em". Điều 4 Luật Trẻ em 2016 giải thích: "Bạo lực trẻ em" là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em...; và dẫn tới quy định tại điều 27: "Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em". Công ước Quốc tế về quyền trẻ em cũng có điều luật bảo vệ trẻ em về thể chất, tinh thần lẫn quyền riêng tư...
Thực tế thì không phải giáo viên nào cũng biết những quy định đó. Có người biết mà không chấp hành, vì thế tình trạng giáo viên xâm phạm quyền trẻ em là phổ biến. Đây là một mảng xám nhức nhối của ngành giáo dục.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cần phải công bằng với nhà giáo. Trong vô vàn áp lực họ đang gánh chịu có sự ức chế thường trực từ một bộ phận học sinh hư hỏng, cá biệt. Những học sinh này dứt khoát không thể được "dạy" bằng phương pháp sư phạm thông thường, do đó gặp lúc nóng nảy dẫn tới mất kiểm soát, giáo viên sẽ mắc sai lầm trong việc chọn cách trừng phạt. Sai lầm này dù gì cũng xuất phát từ mục đích chính đáng, là giúp học sinh tốt hơn, cho nên nếu hễ phạm phải là bị xử lý kỷ luật - như trường hợp cô Lê Thị Quy - thì quả tình sẽ đẩy thầy cô giáo vào thế kẹt. Học sinh hư từ đó "được nước" làm tới, thậm chí phụ huynh còn kéo đến trường phạt ngược, bắt cô giáo quỳ xin lỗi như từng xảy ra ở Long An.
Có nhiều trường hợp, một lần bị bắt quỳ xuống có thể giúp con người đó lớn thêm, trưởng thành hơn. Còn bây giờ, trong tình thế có thể bị mất việc bất cứ lúc nào vì phạt học sinh, giáo viên sẽ thủ phận, bỏ mặc, hậu quả kéo theo sẽ lớn hơn nhiều. Nó cũng giải thích vì sao bạo lực học đường, trò đánh thầy ngày càng gia tăng.
Bình luận (0)