Ngày 6-4, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Giá (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM) cho biết qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế. Theo ông Đức, tình trạng này xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức thảo luận về dự án Luật giá (sửa đổi)
Vì vậy, tại dự thảo Luật lần này, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về khắc phục những bất cập về thẩm định giá. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Đức đánh giá quy định tại dự thảo vẫn chưa chặt chẽ, chưa rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm của thẩm định viên.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, cần có cơ chế kiểm soát, bảo đảm chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá. Bên cạnh đó, cần quy định thẩm định viên về giá có nghĩa vụ giải trình hoặc bảo vệ báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng báo cáo kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu.
Đồng thời, giải trình báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. Vị đại biểu đoàn TP HCM cho rằng cần quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, không phải chỉ có báo cáo khi yêu cầu, để bảo đảm hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn TP Hà Nội) cho rằng về hoạt động thẩm định giá của nhà nước, dự thảo Luật quy định chưa chặt chẽ về trách nhiệm, năng lực chuyên môn của thành viên Hội đồng thẩm định giá.
Cụ thể, điều 59 của dự thảo Luật quy định: Thẩm định giá của Nhà nước được thực hiện trong trường hợp pháp luật quy định sử dụng phương thức thẩm định giá của Nhà nước là một trong các cơ sở để người có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc phê duyệt giá.
Bên cạnh đó, điều 60 của dự thảo Luật quy định, Hội đồng thẩm định giá phải có tối thiểu 3 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập Hội đồng. Hội đồng phải có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng có một trong các chứng nhận chuyên môn.
Ông Thịnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ tất cả các thành viên Hội đồng thẩm định giá đều cần có các chứng nhận chuyên môn đầy đủ, để bảo đảm tất cả đều có đủ năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các ý kiến, nhận định, đánh giá chuyên môn của mình. Đồng thời, cần liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình, để bảo đảm việc thẩm định giá được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.
Về hội đồng thẩm định giá, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cũng đề nghị dự thảo Luật phải quy định thật rõ. Đại biểu đặt vấn đề thành viên Hội đồng thẩm tra giá ngoài 50% có bằng cấp, chứng chỉ liệu đã đủ tiêu chuẩn chưa. "Do đó phải quy định rõ về thành phần Hội đồng thẩm định giá để có thể an tâm về chất lượng của hội đồng" - đại biểu Tạ Văn Hạ đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng trong dự thảo Luật, những quy định về giá dịch vụ y tế rất mờ nhạt hoặc gần như không tìm thấy. Trong khi đó, vấn đề liên quan đến giá cực kỳ phức tạp, là thành tố quan trọng, dễ phát sinh tiêu cực.
Nhấn mạnh trong công tác đấu thầu, giá là đích đến của mọi cuộc thương thảo, giá cũng là vấn đề mà kẻ xấu hay lợi dụng tìm kẽ hở để trục lợi, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ giá dịch vụ y tế còn là vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, nếu trong dự thảo Luật này không quy định cụ thể, rõ ràng về giá dịch vu y tế, mọi thiệt thòi sẽ đổ lên bệnh nhân. Do vậy, đại biểu đề nghị quy định cụ thể vấn đề về giá dịch vụ y tế vào dự thảo.
Bình luận (0)