xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên năng lượng tái tạo

MINH CHIẾN

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng để đến năm 2050, nước ta không còn sản xuất điện từ than

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15-5 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Giảm mạnh điện than

Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 KV trở lên; phát triển công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đến năm 2050, gồm các công trình liên kết lưới để xuất nhập khẩu điện với các nước. Với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII nêu rõ cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5% - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050.

Quy hoạch điện VIII cũng đề ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Theo đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), chiếm khoảng 30 -39,2% vào năm 2030. Tỉ trọng nguồn điện này trong hệ thống dự kiến tăng 67,5% - 71,5% vào năm 2050. Quy hoạch điện VIII xác định đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ, ngoài khơi và điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải tỏa công suất của lưới điện, giá thành điện năng và chi phí truyền tải hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành.

Cũng theo Quy hoạch điện VIII, nguồn điện than sau năm 2030 không phát triển thêm. Do đó, đến năm 2050, công suất điện than chỉ chiếm 4,5% trong tổng cơ cấu công suất (25,6/573,1 GW). Sản lượng từ nguồn điện than chỉ chiếm 5,3% trong tổng sản lượng điện nhưng trong giai đoạn từ năm 2030 trở đi, dự kiến từng bước chuyển nhiên liệu than sang các loại không phát thải như sinh khối hoặc amoniac. Quy hoạch cũng xác định đến năm 2050 không còn sử dụng than cho sản xuất điện.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương, cho biết Quy hoạch điện VIII xác định việc phát triển điện đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Quy hoạch điện VIII bảo đảm cơ cấu nguồn điện theo đúng chủ trương Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng.

Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Quy hoạch điện VIII xác định ưu tiên phát triển năng lượng tái tạoẢnh: Minh Phong

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Quy hoạch điện lần này cũng nêu rõ: Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước cho phát triển điện, kết hợp với nhập khẩu điện, nhập khẩu nhiên liệu hợp lý nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Bên cạnh đó, ưu tiên khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, sinh khối..., năng lượng sạch để tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và chuyển dịch năng lượng.

Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng các mục tiêu rõ ràng được nêu trong Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là về chuyển đổi năng lượng, sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. NLTT được đặc biệt ưu tiên phát triển trong Quy hoạch điện VIII. Quy hoạch vừa được phê duyệt sẽ là cơ sở để tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các dự án truyền tải điện, giúp giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo khu vực miền Trung và miền Nam.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, các dự án nguồn điện sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu cho những năm tới. Các dự án mới chưa thể triển khai trong những năm gần đây do chờ quy hoạch cũng có cơ sở thực hiện khi Quy hoạch điện VIII được Chính phủ phê duyệt. Với những mục tiêu cụ thể đã đề ra, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII sẽ giúp bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian tới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đa dạng nguồn vốn đầu tư

Quy hoạch điện VIII cũng xác định các phương án phát triển nguồn điện, lưới điện, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; định hướng phát triển điện nông thôn; định hướng phát triển sinh thái công nghiệp và dịch vụ về NLTT và nhu cầu vốn đầu tư.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỉ USD. Định hướng giai đoạn 2031 - 2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỉ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỉ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỉ USD, sẽ được cụ thể hóa trong các quy hoạch tiếp theo.

Một số giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư phát triển ngành điện cũng được nêu rõ trong Quy hoạch điện VIII, như nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện. Tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch; thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện. Đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả nguồn vốn trong và ngoài nước vào phát triển điện lực, bảo đảm quốc phòng - an ninh và cạnh tranh trong thị trường điện.

Quy hoạch điện VIII xác định đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, đối tác hợp tác công - tư) đối với các dự án điện. Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện. Đồng thời, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản tự tiêu. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để phát triển những dự án điện.

Với nhu cầu vốn "khủng" để đầu tư nguồn và lưới điện, nhiều ý kiến cho rằng cần đa dạng hóa trong các chính sách thu hút đầu tư. PGS-TS Phạm Hoàng Lương, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành điện. Ông Phạm Hoàng Lương gợi mở một số công cụ tạo nguồn lực như tín chỉ xanh, trái phiếu xanh...

Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII đã đề cập việc thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực, trong đó có lưới điện truyền tải, trên cơ sở bảo đảm quốc phòng - an ninh và theo quy hoạch. Theo ông, chúng ta chú trọng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các phân ngành điện lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành điện lực. 

Thu hút vốn nước ngoài cho ngành điện

Tại một hội nghị tham vấn quốc tế về Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Keiju Mitsuhashi - Phó Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - đã nhắc đến việc quy hoạch xác định đầu tư cho phát điện và lưới truyền tải từ năm 2021- 2030 với nhu cầu tài chính lớn. Ông Keiju Mitsuhashi cho biết ADB có thể lồng ghép các mục tiêu vào việc hỗ trợ ngành điện của Việt Nam.

Cùng quan tâm này, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ (AMCHAM), khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần chủ động hơn đối với các nguồn tài chính nước ngoài để bảo đảm tính khả thi về vốn cho các dự án quy mô lớn. Việt Nam cần cải thiện khung pháp lý để tiếp tục thu hút các khoản đầu tư dài hạn của khu vực kinh tế tư nhân vào ngành điện.

Có chính sách đột phá để phát triển điện mặt trời mái nhà

Theo Quy hoạch điện VIII, ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân cũng như công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo