* Phóng viên: Nhiều kiến trúc sư cho rằng các phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết Trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt mà UBND TP Đà Lạt đang tổ chức trưng bày, lấy ý kiến sẽ phá vỡ hoàn toàn kiến trúc Đà Lạt. Ông nghĩ gì về điều này?
Ông Võ Ngọc Trình
- Ông Võ Ngọc Trình: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX và X đã xác định xây dựng Trung tâm Hòa Bình theo quy hoạch "Trung tâm thương mại, dịch vụ cấp vùng tập trung khu vực di sản và khu vực chợ Hòa Bình có tổng diện tích 75 ha".
Hiện tại, Đà Lạt có chủ trương chặt hạ 1 cây xanh thì phải đóng tiền hoặc trồng lại 15 cây thông tại vị trí đất do TP quản lý. Phấn đấu TP Đà Lạt phải phủ kín rừng 63,3%.
Để xây dựng, phát triển Đà Lạt, lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ đã lập quy hoạch và trình Thủ tướng phê duyệt như các Quyết định 620/1994, 409/2002, 704/2014… Từng thời kỳ, từng thời điểm có phương án xây dựng khác nhau. Về đất ở thì không mở rộng nhưng dân cư thì ngày càng phát triển. Trước năm 1975, dân số Đà Lạt chỉ khoảng hơn 85.000 người, đến nay đã gần 230.000 người. Cần phải phát triển Đà Lạt không chỉ phục vụ người dân Đà Lạt mà cả du khách khi đến với Đà Lạt.
Để phát triển TP Đà Lạt phải có kế hoạch, chương trình (triển khai nghị quyết) cụ thể trên cơ sở pháp luật và do các lãnh đạo địa phương, các nhà nghiên cứu xã hội, kiến trúc sư, các chuyên gia cảnh quan, chuyên gia bảo tồn, đội ngũ chuyên gia kinh tế… chứ không riêng một cá nhân nào quyết định được.
Dinh Tỉnh trưởng được xây dựng từ năm 1910, hiện là nơi làm việc của một số cơ quan nhà nước ở Đà Lạt Ảnh: ĐÌNH THI
* Dư luận cho rằng nếu quy hoạch chi tiết Trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt sẽ làm ảnh hưởng đến Dinh Tỉnh trưởng và cả kiến trúc khu Hòa Bình là di sản người Việt ở Đà Lạt?
- Tôi sống ở đây đã 45 năm. Hai công trình này với tôi là ký ức, là hoài niệm. Chúng tôi có thể tôn thờ quá khứ nhưng đôi lúc cũng không thể giữ mãi ký ức, hoài niệm này. Chúng ta cần vượt qua để phát triển.
Về lịch sử khu Hòa Bình, chúng ta đều biết được xây dựng từ năm 1929 với chất liệu bằng gỗ và lợp tôn. Đến năm 1937, sau một vụ hỏa hoạn, nơi này bị cháy và năm 1958 được xây dựng lại, đến năm 1960 hoàn thành cho đến nay tròn 60 năm.
Về khu vực đồi Dinh (Dinh Tỉnh trưởng) được xây dựng năm 1910, là nơi làm việc cho tỉnh trưởng và gia đình tỉnh trưởng ở. Qua các thời kỳ xây dựng và bảo tồn kiến trúc theo quy hoạch chung tại các Quyết định 620/1994, 409/2002, 704/2014… thì không đề cập công trình Dinh Tỉnh trưởng. Quy hoạch mới nhất là 704 xác định kiến trúc bảo tồn là 3 Dinh (1, 2 và 3), khu biệt thự Trần Hưng Đạo - Lê Lai và trục di sản về kiến trúc Đông - Tây TP Đà Lạt.
Chúng ta phải nhìn thẳng thắn rằng lâu nay, khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng vẫn nằm yên ở đó, không ai quan tâm. Nếu không đầu tư phát triển thì hỏi xem có mấy người đến với đồi Dinh? Nếu không quy hoạch, không xây dựng hệ thống giao thông và cảnh quan đẹp thì làm sao kêu gọi được du khách. Từ những lý do này, chúng ta cần nghiên cứu kỹ là nên bỏ hay giữ lại Dinh Tỉnh trưởng.
* Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng có sự ưu ái riêng nào đó đối với nhà đầu tư?
- Để phát triển TP Đà Lạt, chúng ta nên đặt trong ngữ cảnh xây dựng lại để phục vụ cho toàn Đà Lạt với số dân lên đến gần 230.000 người như hiện nay. Do đó, cần phải có giải pháp xây dựng các công trình tại khu Hòa Bình như các mô hình đang triển lãm.
Tôi khẳng định là không có nhà đầu tư nào được ưu ái hay được mời vào mà tất cả đều thông qua đấu thầu bởi đầu tư phát triển đô thị Đà Lạt không phục vụ lợi ích bất kỳ nhà đầu tư nào mà cốt lõi là phục vụ người Đà Lạt và du khách khi đến với Đà Lạt.
Bình luận (0)