Những ngôi nhà chừng vài mét vuông, lọt thỏm giữa con phố sầm uất của Thủ đô Hà Nội đang được UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giãn dân phố cổ từ năm 2012, nhưng trải qua quá trình triển khai, theo dõi, phát triển thì đến ngày nay dự án mới chính thức được phê duyệt.
Nhiều người dân mừng vì được ở nhà mới không còn trong cảnh sống phải lo sợ những bức tường cũ, nứt, đổ bất cứ lúc nào và điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, mừng là thế một số người dân lo lắng vì không còn "cần câu cơm", chuyển sang nơi ở mới sẽ làm gì mà sống…
Những ngôi nhà cũ kĩ xuống cấp đang được UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giãn dân phố cổ
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: "UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện dự án giãn dân phố cổ từ năm 2012, từ việc này mới thấy được tính quan trọng cũng như phức tạp, cần cân nhắc của lãnh đạo thành phố khi tiến hành phê duyệt đối với đề án. Gắn với đề án giãn dân tại quận Hoàn Kiếm đã triển khai trong nhiều năm qua. Những năm gần đây chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nâng cao bảo tồn, phát huy di sản đô thị trên địa bàn quận".
Ông Long chia sẻ: "Số lượng dân cư ở quận Hoàn Kiếm hiện nay giảm hơn trước. Nhu cầu chỗ ở của nhiều người dân trong khu vực này muốn có diện tích rộng hơn, ăn ở tốt hơn. Vì vậy, diện tích chật hẹp phố cổ không đáp ứng được nên người dân chọn nơi ở mới, còn lại cơ sở cũ phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, thương mại dịch vụ".
Con ngõ tối om, xuống cấp đang là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình
Vợ chồng ông Hà Đình Thành (66 tuổi, ở ngõ 33 Hàng Vải, Hà Nội) bán trà đá cho biết: "Gia đình tôi sống trong ngôi nhà rộng chưa đầy 3 mét vuông ở ngay dưới chân cầu thang ở ngõ 33 Hàng Vải suốt gần 30 năm qua. Ngày qua ngày, cả gia đình tôi sống nhờ vào việc bán trà đá. Ngôi nhà nhỏ chỉ kê được tấm phản làm giường là nơi nghỉ ngơi của cả gia đình"
Cũng theo ông Thành, gia đình ông có 8 anh em, do lấy vợ muộn nhất nên ông ở nơi chật hẹp nhất còn các em trong nhà lấy vợ trước nên ở rộng rãi hơn. Chính vì nhà chật, ở chân cầu thang khu nhà tập thể nên vợ chồng ông Thành sợ không dám đẻ đông con. Cả hai vợ chồng chỉ có duy nhất cô con gái năm nay 26 tuổi, hiện đang làm cho một công ty tư nhân.
Khi nghe về đề án quy hoạch phân khu đô thị, là một người sống ở phố cổ, ông Thành đồng tình với chủ trương của TP Hà Nội nhưng mong muốn được chuyển đến một nơi ở mới khang trang hơn. Tuy nhiên, ông lại lo lắng sẽ mất kế sinh nhai khi không biết đến nơi ở mới sẽ làm gì để kiếm sống.
"Nếu quy hoạch giãn dân phố cổ khả thi, mọi người di chuyển thì gia đình tôi cũng chấp hành. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo đó là dù ở đây khổ nhưng còn có công việc, thu nhập. Nếu ở chỗ mới sau này, vợ chồng lại không biết làm gì kiếm sống khi tuổi đã cao"- ông Thành chia sẻ.
Ông Hà Đình Thành (66 tuổi, ở ngõ 33 Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sống trong ngôi nhà rộng chưa đầy 3 m2 suốt gần 30 năm
Cũng sống trong cảnh chật hẹp, vợ chồng bà Lý ở phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm đã nhiều năm nay sống bằng nghề bán bún phở. Căn nhà rộng khoảng 30 m2 là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình với 15 nhân khẩu. Gia đình bà Lý ở tầng cao nhất có diện tích khoảng 10 m2 nhưng lại là gác xép của căn nhà. Để có thể vào trong bà Lý phải leo lên, chui qua 1 ô thoáng mới có thể vào nhà.
"Nói thật nếu ở nơi khác khi đến đây sẽ cảm giác vô cùng chật chội. Nhà 10 m2 mà có 2 vợ chồng cùng 2 đứa con. Mọi vệ sinh, tắm rửa đều bên dưới nên rất bất tiện"- bà Lý chia sẻ.
Ngôi nhà chật hẹp rất bất tiện của gia đình bà Lý và cũng mong muốn đến một nơi mới khang trang hơn nhưng vẫn lo lắng vì đến chỗ mới không biết làm nghề gì để sinh sống
Bà Lý cũng băn khoăn: "Ở nơi khác rộng rãi hơn ai cũng muốn nhưng nếu thành phố quy hoạch giãn dân phố cổ thì nhiều người không biết làm gì sống cả. Từ trước cả nhà trông chờ vào việc bán hàng giờ mà đi nơi khác chẳng biết làm gì, bên cạnh đó con cái đi lại cũng là điều trở ngại".
Một số hình ảnh ghi nhận về cảnh chật chội, nhếch nhác ở phố cổ:
Hành lang đi vào khu vực sinh sống của nhiều hộ gia đình chật hẹp
Tại một số khu vực trong căn nhà cũng không có thứ gì giá trị
Đây là khu vực phơi quần áo của nhiều hộ gia đình
Nhà vệ sinh chung xuống cấp
Quán trà đá là là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Thành suốt nhiều năm qua
Khu vực sinh hoạt chung của nhiều hộ gia đình
Nhiều người dân lo lắng nếu di chuyển nơi ở mới sẽ không biết làm nghề gì để kiếm sống
Khu vực hành lang, bất kể ngày hay đêm đều thiếu ánh sáng
Bà Lý đang lên khu vực nhà mình
Người dân đang chỉ những vết tường nứt toác
Nhiều người dân lo lắng khi những mảnh tường nứt toác nguy hại đến mình và gia đình
Tường ẩm mốc, những thanh gỗ sàn cũng đã xuống cấp trầm trọng
Bình luận (0)