Chiều 8-3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan soạn thảo) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ (cơ quan thẩm định) đã gặp gỡ báo chí và một số chuyên gia, doanh nghiệp (DN) sản xuất nước mắm để trao đổi về những nội dung liên quan Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Ông Đào Trọng Hiếu - Phó Phòng Phát triển thị trường thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - cho biết theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng, khuyến khích công bố áp dụng, không bắt buộc. Còn quy chuẩn là đưa ra những chỉ tiêu, giới hạn bắt buộc phải tuân thủ và làm theo, đương nhiên tiêu chuẩn này hoàn toàn không có chế tài. Ngoài ra, thông điệp đưa ra tiêu chuẩn xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn, đó là cần quan tâm kiểm soát, bất kể quy mô sản xuất thế nào cũng cần có tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá, nâng cao uy tín chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Hiếu, để bảo đảm khách quan, trong quá trình soạn thảo, cơ quan này đã tổ chức 5 hội nghị, hội thảo và gửi dự thảo xin ý kiến rộng rãi tới các cơ quan quản lý, chuyên gia, đặc biệt là đông đủ các hiệp hội, DN sản xuất nước mắm.
Dự thảo đưa ra các khuyến nghị, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nhận diện, phòng ngừa, kiểm soát các mối nguy, rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm cho sản phẩm nước mắm. "Đây là tiêu chuẩn về quá trình chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng" - ông Hiếu nói và khẳng định dự thảo góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, định hướng, giúp nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Liên Thành, cho biết DN này hướng mục tiêu không chỉ làm cho người dân Việt Nam ăn mà còn hướng đến xuất khẩu, do đó tiêu chuẩn này phù hợp với DN. Tuy nhiên, mỗi DN có điều kiện khác nhau, ứng dụng hay không thì tùy, vì quan trọng là ý chí của DN phải muốn làm.
PGS-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, đánh giá dự thảo hoàn toàn phù hợp thực tiễn, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cần thiết và nên ban hành sớm. Theo ông Đáng, trên thế giới không có sự phân định nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp mà thị trường tự xưng, tự nhận. Muốn phân loại được thì phải dựa vào tiêu chuẩn.
Đại diện cơ quan thẩm định dự thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, khẳng định đây không phải là tiêu chuẩn quy định mức giới hạn histamine và dự thảo này theo đúng tinh thần pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn. Tiêu chuẩn là tự nguyện áp dụng, không phải bắt buộc.
Không dễ quy định tiêu chuẩn thành quy chuẩn
Ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật hoàn toàn khác, độc lập với xây dựng tiêu chuẩn. Khi thực sự xây dựng quy chuẩn thì toàn bộ bước nghiên cứu xây dựng dự thảo, lấy ý kiến, thẩm định… là độc lập, không dễ gì quy định tiêu chuẩn thành quy chuẩn được. Mục đích chính của tiêu chuẩn nói chung là đưa ra khuyến nghị về xác định các mối nguy, từ đó có thể đưa ra cách thức giúp nhà sản xuất hạn chế nguy cơ và tránh rủi ro cho chính nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Khuyến nghị có thể áp dụng hoặc không áp dụng, tùy vào điều kiện sản xuất của mỗi nơi.
Bình luận (0)